Về Côn Đảo thêm yêu Tổ quốc

Thứ Ba, 18/07/2023, 20:35 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Côn Đảo là địa chỉ đỏ được nhiều người tìm về để tìm hiểu truyền thống cách mạng và tỏ lòng biết ơn đối với những hy sinh của các thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Du khách dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Hàng Dương.
Du khách dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Hàng Dương.

Con tàu rẽ sóng lướt nhanh trên biển cả mênh mông đưa chúng tôi đến với Côn Đảo. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là chỉ trong vài giờ đồng hồ, trước và sau đoàn chúng tôi, Côn Đảo còn đón đến 5 đoàn (mỗi đoàn từ 20-30 người) trên khắp mọi miền đất nước đến thăm.

Lần thứ hai chị Mai Thị Quỳnh Lâm (TP.Hà Nội) đưa cả gia đình 3 thế hệ cùng đến Côn Đảo du lịch. Chị Lâm nói: “Ngoài nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên hoang sơ của Côn Đảo, chúng tôi  mang theo lễ vật để dâng hương, viếng các Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Đó cũng là cách tôi nhắc nhở các con truyền thống đấu tranh kiên trung, bất khuất của thế hệ cha anh, để có cuộc sống hòa bình, ấm no như hôm nay, qua đó giáo dục các con đạo lý uống nước nhớ nguồn”.

Du khách viếng mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Du khách viếng mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Ngay sau khi đặt chân đến Côn Đảo, đoàn chúng tôi hòa cùng dòng người bắt đầu tìm hiểu về những gian khổ, nhọc nhằn của bao người tù cách mạng bị đày đến đây. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Cầu tàu 914, nơi chứng kiến nỗi đau khổ của những người bị đưa ra đảo tù đày, nhiều người chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Sở dĩ con số 914 được đặt tên cho cây cầu là do những người tù còn sống nhẩm tính được từng đó người tù khổ sai ngã xuống trong quá trình xây dựng cầu. Còn thực tế, con số này lớn hơn nhiều. Cũng vì lẽ đó, Cầu tàu 914 được xem là dấu ấn rõ nét nhất của tội ác thực dân ở Côn Đảo.

Một dấu ấn khác về những tội ác của giặc ngoại xâm là Bãi sọ người. Chuyện kể rằng, tháng 6/1862, những tù nhân Việt Nam bị đày tới Côn Đảo không chịu nổi chế độ giam giữ hà khắc nên đã nổi dậy, đốt phá nhà tù và buộc tên chúa đảo phải lên tàu chạy trốn. Sau nửa tháng, thực dân Pháp quay trở lại đảo truy lùng tất cả tù nhân. Hơn 100 tù nhân bị giết chết trong cuộc trả thù ấy. 20 người bị bắt phải đào một ngôi mộ để chôn bạn tù. Khi lấp ngôi mộ tập thể, giặc Pháp đẩy luôn 20 người tù chôn sống họ.

Khách tham quan Nhà tù Côn Đảo.
Khách tham quan Nhà tù Côn Đảo.

Chúng tôi tiếp tục tham quan trại giam Phú Hải (trại giam đầu tiên được xây dựng tại Côn Đảo), sau đó lần lượt đến trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp), trại Phú Bình (Chuồng Cọp Mỹ) và khu biệt lập Chuồng Bò...

Dẫu đã xem qua truyền hình, nghe kể rất nhiều về thủ đoạn tra tấn dã man, tàn bạo mà kẻ thù dành cho các tù nhân chính trị tại nhà tù Côn Đảo, nhưng khi tận mắt nhìn thấy những phòng biệt giam, những bức tượng dựng lại cảnh các chiến sĩ cách mạng bị còng chân tay, thân thể còm cõi, da bọc xương khiến nhiều người quặn lòng.

“Nếu không tận mắt chứng kiến chứng tích, những hình thức tra tấn man rợ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đối với những người tù chính trị, không ai dám nghĩ nơi đây từng là “địa ngục trần gian”. Có lẽ không ở đâu mà sự tàn ác, man rợ lại được thể hiện rõ ràng nhất như ở nơi này”, chị Phan Thị Ngọc Trang, cán bộ Huyện Đoàn Xuyên Mộc chia sẻ.

Sáng hôm sau, đoàn đi viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Từng người lặng lẽ thắp hương tưởng niệm những người đã ngã xuống, không một tiếng nói to, không một tiếng cười đùa, những bước chân người cố nhẹ nhàng nhất để dâng hương lên từng phần mộ. Gió từ ngoài khơi vờn trên những hàng phi lao tạo nên âm thanh rì rào như tiếng thủ thỉ dặn dò của những người tử tù Côn Đảo với những người đang sống là sống sao cho xứng đáng.

Thăm Côn Đảo để thấy giá trị của độc lập - tự do

Những năm trở lại đây, Côn Đảo trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Khách đến với Côn Đảo không chỉ vì cảnh quan hoang sơ như vườn quốc gia, những bãi biển ít người đến mà còn là nơi để du khách nhớ về năm tháng đầy oanh liệt trong lao tù của thực dân, đế quốc, và những anh hùng, liệt sĩ mãi nằm lại nơi đây vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Theo Ban quản lý khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, vào các dịp lễ lớn của đất nước như 30/4 và 1/5, 27/7, Côn Đảo đón từ 4.000-6.000 lượt khách mỗi ngày. Hằng năm, từ tháng 6 trở đi, Côn Đảo vào cao điểm mùa du lịch hè. Khách chủ yếu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh, tham gia tour sinh thái biển đảo. Ngoài khách tham quan, nhiều địa phương, ban, ngành tổ chức cho cán bộ hưu trí hoặc tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích ra thăm Côn Đảo.

Đến thăm Côn Đảo giữa những ngày tháng 7, chị Nguyễn Ngọc Phượng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Viếng Nghĩa trang Hàng Dương, trước mộ chị Võ Thị Sáu và hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người Việt Nam yêu nước, tôi thấy càng biết ơn những mất mát, đớn đau của cha ông đi trước để đem lại độc lập, hòa bình cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Đó là lời nhắc nhớ để thế hệ trẻ chúng tôi phải gắng sức đóng góp xây dựng đất nước hôm nay”.

Côn Đảo cũng chính là nơi giáo dục truyền thống yêu nước một cách thiết thực, không giáo điều, không sách vở. Lớp lớp thế hệ trẻ vẫn tìm về Côn Đảo để lắng nghe kể về lịch sử hào hùng của mảnh đất này, về đây để thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh máu xương của lớp lớp cha anh đi trước, những con người đã làm nên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến.

“Nếu chỉ ngồi nhà đọc sách thôi thì chưa đủ. Phải đến tận nơi, chứng kiến từng hình ảnh chân thật, nghe từng câu chuyện thấm đẫm nước mắt từ cô hướng dẫn viên thì mới thấy cha anh chúng ta kiên cường thế nào, mới thấy được giá trị của độc lập - tự do”, em Lê Hoàng Bảo Trân (HS lớp 9, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.