Tỷ lệ xét xử, giải quyết án đạt hơn 96%
Ngày 4/7, Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm Trưởng đoàn có buổi khảo sát việc chấp hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 tại TAND tỉnh. Ông Trần Tuấn Lĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn.
Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khảo sát việc chấp hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 tại TAND tỉnh. |
Còn khó khăn, vướng mắc
Theo báo cáo của TAND tỉnh, từ ngày 1/10/2017 đến 30/9/2022, TAND 2 cấp giải quyết 38.497 vụ, việc các loại trong tổng số 40.095 vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 96,01%. Giải quyết 864 vụ án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND. Trong thời gian trên, TAND 2 cấp tại tỉnh không khởi tố vụ án hình sự tại tòa, không thu thập tài liệu, chứng cứ khi giải quyết các vụ án hình sự.
Trong năm 2022, có 3 tòa án trong tỉnh tổ chức xét xử trực tuyến 11 vụ án. Đặc biệt, những vụ án thuộc địa bàn Côn Đảo khi được TAND tỉnh xét xử trực tuyến, người dân không phải chịu chi phí đi lại.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Vui, Chánh án TAND tỉnh nêu những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Về tổ chức bộ máy của TAND cấp tỉnh và huyện như: biên chế thẩm phán, thư ký còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiệm kỳ của thẩm phán, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại còn phụ thuộc vào nhận xét của cấp ủy cùng cấp. Chế độ chính sách, tiền lương đối với thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án còn thấp...
Đề xuất, kiến nghị sửa đổi
Từ khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chánh án Trần Văn Vui đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND như: hoàn thiện các quy định về vị trị, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những nguyên tắc tổ chức, hoạt động của tòa án. Hoàn thiện quy định tổ chức bộ máy của TAND. Sửa đổi, bổ sung tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng Tư pháp Quốc gia. Đổi mới và hoàn thiện các quy định về chức danh tư pháp trong TAND. Bảo đảm nguồn lực để xây dựng tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn khảo sát cũng đề nghị làm rõ nhiều nội dung trong báo cáo và kiến nghị đề xuất của TAND tỉnh như: về cơ chế bảo vệ thẩm phán trong HĐXX; Những văn bản, quy định pháp luật bất cập phát sinh trong quá trình xét xử, phương án sửa chữa; Tính độc lập của thẩm phán, hội thẩm; Những hạn chế, vướng mắc trong phiên tòa trực tuyến và xét xử các vụ án hành chính; Việc thu thập chứng cứ trong vụ án dân sự, hành chính. Đồng thời trao đổi kỹ về đề xuất của TAND tỉnh về đổi mới cơ cấu, thành phần hội thẩm trong HĐXX theo hướng giảm số lượng hội thẩm, tăng số lượng thẩm phán.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Hoàng Văn Liên ghi nhận và đánh giá cao công tác xét xử các vụ án của TAND tỉnh với tỷ lệ xét xử đạt trên 96% . Nhất là công tác xét xử án hành chính, đạt tỷ lệ rất cao so với cả nước.
Đối với những khó khăn, vướng mắc, các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Hoàng Văn Liên cho biết đoàn sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu và tổng hợp để báo cáo trước Quốc hội làm cơ sở sửa đổi Luật Tổ chức TAND mới sát thực tế, đạt hiệu quả cao hơn.
MẠNH QUÂN