Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn. |
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, 6 tháng đầu năm 2023 cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 210 quyết định kinh doanh tại 20 văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi 19 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp giải quyết 98/699 thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án.
Đối với nội dung cải cách thủ tục hành chính, đến nay đã có 4.422/6.423 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 63/63 địa phương hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hoặc trước hạn tại bộ, ngành tăng 10% và tại địa phương tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022…
Trong phiên họp, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các nội dung: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị; giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC; kinh nghiệm và giải pháp sắp xếp cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập; kinh nghiệm nâng cao hiệu quả CCHC gắn với thực hiện chuyển đổi số…
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ trong thời gian tới phải tạo được đột phá trong CCHC để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất với thủ tục hành chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, CCHC không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ CCHC mà còn phải thực hiện đồng bộ cùng với các nội dung khác như: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số… Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát các công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc…
Tin, ảnh: HUYỀN TRANG