THẢO LUẬN TỔ HỘI NGHỊ LẦN THỨ 16 BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH

Khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Thứ Tư, 05/07/2023, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 5/7, các ủy viên tiến hành thảo luận tại 4 tổ để xem xét, cho ý kiến về các nội dung trình tại hội nghị BCH, dự kiến khai mạc sáng 7/7.

Ông Lưu Tài Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị nâng cao trách nhiệm  người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở,  ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Ảnh: HUYỀN TRANG
Ông Lưu Tài Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Ảnh: HUYỀN TRANG

Giải ngân vốn đầu tư công thấp, vì sao?

Phát biểu thảo luận về hạn chế trong phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm, các đại biểu quan tâm đến nội dung giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Theo các đại biểu, hạn chế này cũng có trong báo cáo 6 tháng đầu năm của năm 2021, 2022 và đều có những giải pháp khắc phục thúc đẩy nhưng giải ngân vẫn đạt thấp trong 6 tháng đầu năm. Vậy đâu là nguyên nhân?

Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu nguyên nhân không phải vì bố trí vốn không phù hợp mà còn 16 dự án có bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) kéo dài nhiều năm, 58 dự án chuyển tiếp qua năm 2023, 16 dự án phải kết thúc trong năm 2024. 3 nhóm dự án này bố trí 4.000 tỷ đồng nhưng 6 tháng đầu năm chỉ giải ngân chưa đến 5%. Phần lớn các dự án này tập trung tại TP.Vũng Tàu và TX.Phú Mỹ. Có dự án thực hiện công tác BTGPMB từ năm 2014 đến nay đã 9 năm mới chỉ được một phần, nhưng nếu làm tiếp BTGPMT thì áp dụng giá nào (giá thị trường đã khảo sát năm 2014 hay là giá năm 2023).

Bên cạnh đó, trong quá trình làm công tác BTGPMT, có địa phương, cán bộ “sợ sệt”, cái gì chắc chắc 100% thì đưa vào quyết định bồi thường cho dân, cái gì còn phân vân thì gạt ra, khuyến khích người dân khiếu kiện lên tòa án để tòa xử lý và sau đó dựa vào bản án làm cơ sở pháp lý để thực hiện BTGPMT. Vì vậy, dự án kéo dài và có thể đội vốn đầu tư.

“Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong giải ngân vốn đầu tư công. Cái gì tháo gỡ được thì tháo gỡ cho rõ ràng. Tỉnh cần có cuộc họp chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, soát xét để giải quyết dứt điểm từng dự án một”, ông Mai Ngọc Thuận đề nghị.

Còn theo ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, trong 45 chỉ tiêu, có 8 chỉ tiêu chưa đạt so với Nghị quyết năm 2023, đó là: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trừ dầu khí, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí, tổng thu ngân sách trên địa bàn, thu ngân sách nội địa... Đây là 8 chỉ tiêu quan trọng quyết định sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Do đó, bên cạnh giải pháp tập trung giải ngân vốn đầu tư công, cần đề ra những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa để đạt được chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Ông Lưu Tài Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, ủy viên Ban Thường vụ, BCH, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp trên.

“Hiện nay có tình trạng đùn đẩy, không dám làm giữa các sở, ngành, địa phương. Do vậy, UBND tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra công vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương, giữa các cơ quan, đơn vị”, ông Lưu Tài Đoàn nhấn mạnh.

Về chỉnh trang đô thị, bà Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhắc lại, trong tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động chỉnh trang đô thị trực tuyến trên phạm vi toàn tỉnh, tạo hiệu ứng tuyên truyền. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số chợ, tuyến đường vẫn còn tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm. Đề nghị đánh giá lại việc chỉnh trang đô thị thời gian qua, tránh tình trạng ra quân tuyên truyền nhất thời, hiệu quả không đạt yêu cầu.

Thúc đẩy xây nhà ở xã hội cho công nhân

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, đời sống của công nhân, người lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do thu nhập thấp. Vì thế, công nhân không có điều kiện thuê nhà ở khu vực trung tâm mà phải thuê ở những nơi lân cận, vùng ven có giá rẻ hơn. Trong khi đó, chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động là chủ trương đúng đắn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của công nhân. Tuy nhiên, số nhà ở xã hội cho công nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít.

“Các cấp, các ngành liên quan cần phối hợp làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến việc xây dựng nhà ở cho người lao động còn gặp khó khăn. Từ đó, đưa ra giải pháp hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân”, bà Huỳnh Thị Phúc đề nghị.

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, ngành y tế đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn về thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Song, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều này ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như quyền lợi của bệnh nhân, trong đó có đối tượng khám, chữa bệnh BHYT. Người dân vẫn còn phải mua thuốc ở ngoài về uống theo đơn kê của bác sĩ. Vì vậy, tỉnh cần đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế cho các bệnh viện để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Bách Chiến, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho hay, công tác vận động người dân mua BHYT chưa đạt chỉ tiêu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do người dân mua BHYT nhưng chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi. Một số cơ sở y tế xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Việc chưa tạo được “nền tảng” để người dân được hưởng thụ quyền lợi từ BHYT đã khiến cho một bộ phận người dân không mặn mà tham gia; gây khó khăn trong công tác vận động người dân tham gia vào mạng lưới BHYT.

Các tổ tập trung thảo luận về: Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và dự thảo kết luận hội nghị lần thứ 16 của BCH Đảng bộ tỉnh; dự thảo báo cáo tình hình hoạt động của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh 6 tháng năm 2023; dự thảo báo cáo sơ kết kết quả thực hiện và kết luận của BCH Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát triển đô thị Long Hải giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách tỉnh; tờ trình về phương án điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2023.

NHÓM PV THỜI SỰ

 
;
.