SONG SẮT KHÔNG THỂ CẦM TÙ TÂM HỒN

Bài 6: Ký ức vọng về…

Thứ Ba, 18/07/2023, 20:33 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Với những cựu tù, lần trở lại Côn Đảo trong dịp Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ thực sự mang đến cho họ niềm xúc động mãnh liệt. Như những mảnh vỡ của quá khứ, có khi làm đau nhói da thịt nhưng lại vô cùng tự hào vì đã được sống và chiến đấu một thời như thế...

CỰU TÙ PHAN THANH SĨ:

Sáng mãi tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất

Từ năm 1960, tôi tham gia phong trào học sinh - sinh viên khi đang học tại Trường Phan Thanh Giản (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Tôi được giao nhiệm vụ đưa thư, rải truyền đơn, gầy dựng cơ sở cách mạng.

Trưa ngày 21/5/1968, tôi bị địch bắt khi làm nhiệm vụ tại Xóm Chài và bị giam tại nhiều nơi khác nhau, sau đó chuyển đến Khám lớn Cần Thơ. Đến năm 1969, tôi cùng đồng đội tổ chức vượt ngục, cuối cùng có 4 người vượt ngục thành công, còn 2 người (trong đó có tôi) bị bắt lại. Tòa án ngụy tuyên tôi tù chung thân và di lý tôi về nhà tù Chí Hòa giam cầm. Khoảng tháng 5/1972, tôi bị đưa ra Côn Đảo và bị giam tại đây đến ngày đất nước giải phóng.

Qua mấy tuần lễ tra tấn đánh đập, còng xiềng và đói khát, chúng đến từng phòng ra điều kiện: Ai chấp nhận chào cờ sẽ được ra ngoài thoải mái, có việc làm và ăn uống đầy đủ. Nếu không chấp nhận thì đẩy vào cấm cố, biệt giam. Anh em đồng lòng thà bị cấm cố chứ không ra chào cờ. Sau đó, địch chuyển anh em tù chính trị xuống Trại VIII (trại cấm cố) mới thành lập. Bọn cai ngục thẳng tay đàn áp tù chính trị, chúng đóng cửa gió, xả hồ nước, không cho tắm giặt, không phát nước uống, bỏ đói. Giữa trưa và đêm đến, chúng dùng thanh sắt gõ mạnh vào cửa sắt, tiếng ồn nhức óc, đinh tai. Trong các buổi lấy thuốc, tắm nắng, tôi tìm cách liên lạc với tù chính trị có tham gia tổ chức chi bộ. Chúng tôi phát động nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ như: cơm ăn đủ bữa, đủ no, thuốc men đầy đủ, nước uống phải đun sôi, được gửi và nhận thư từ, bưu phiếu, bưu phẩm của gia đình và cuối cùng là để anh em tù chính trị được quản lý nhà bếp tự phục vụ.

Thời gian ở phòng 4 Trại VIII là thời gian liên tục đấu tranh. Lãnh đạo chi bộ phân công tôi làm nhiệm vụ thông tin liên lạc và thảo nội dung thông báo để ban lãnh đạo duyệt, rồi dùng loa thông báo ra ngoài các yêu sách đòi địch giải quyết, đồng thời đánh “morse” liên lạc qua các phòng bên cạnh để thống nhất hành động đấu tranh. Tiếp đến, địch có âm mưu dồn trại, chúng đưa phần lớn anh em về Trại V, trong đó có tôi. Vào Trại V, tôi gặp lại các đồng chí người Cần Thơ cùng công tác chung chi bộ hồi phong trào học sinh trước năm 1968. Chúng tôi phát động đấu tranh đòi được quản lý nhà bếp, bệnh xá, bố trí phân công người có chuyên môn, có sức để ra phục vụ anh em. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt học tập chính trị, văn hóa, phong trào văn nghệ, kể cả viết sách báo, ra tập san (nội bộ), tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm. Thông tin quân ta giải phóng nhiều nơi cũng đã tác động rất lớn trong hàng ngũ của địch.

Ký ức về những năm tháng bị giam cầm ở Nhà tù Côn Đảo, tinh thần đấu tranh bền bỉ, quật cường của những chiến sĩ cách mạng kiên trung vẫn in đậm trong tâm trí của tôi. Dù cơ thể nhiều thương tật, nhưng tôi may mắn hơn các cựu tù chính trị, tôi vẫn khỏe và nguyện sẽ tiếp tục hoạt động với mong muốn kết nối, chăm lo tốt cho hội viên và là cầu nối lịch sử thắp lên ngọn lửa tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

 

CỰU TÙ NGUYỄN TẤN PHÁT:

Luôn tự hào những tháng ngày ở Côn Đảo

Tôi bị địch bắt ngày 29/6/1957. Gần sáu tháng sau, chúng đưa tôi ra Côn Đảo. Lúc đó, chúng tôi thuộc diện tù chính trị câu lưu, tức chưa bị kết án. Nguyên nhân là trước đó chúng tôi có nhiều cuộc đấu tranh, phản đối sự hà khắc của chế độ Ngô Đình Diệm đối với tù chính trị tại Gia Định - Sài Gòn.

Gần 66 năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in buổi sáng đầu tiên ở Côn Đảo. Sau một đêm lênh đênh trên biển, chiếc tàu há mồm của địch đưa chúng tôi đến Cầu tàu 914. Chúng tôi vừa lội lên bờ thì địch dùng cây gỗ đánh hòng áp đảo tinh thần. Sau 10 phút đánh phủ đầu, một tên mang quân hàm đại úy ra bảo: “Ai theo “quốc gia” thì qua bên trái, ai theo cộng sản thì qua bên phải”. Chúng tôi bước qua bên phải, địch tiếp tục đánh đập rồi đưa về Trại I…

Thời gian đầu, chúng tôi đấu tranh bảo vệ khí tiết của đảng viên cách mạng bằng cách chống xúc phạm đến khí tiết đảng viên; chống việc xúc phạm uy tín của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chống khai báo, chống ly khai Đảng, chống học “tố cộng”, chống chào cờ ngụy… Tháng 8/1962, tôi và nhiều tù chính trị bị địch đưa về đất liền. Trước khi lên tàu, chúng tôi tranh thủ thời gian để trao đổi với nhau. Mọi người thống nhất từ đây về sau sẽ chủ động đấu tranh với địch...

Trong các năm 1962, 1963, địch đưa tôi và 52 tù chính trị Côn Đảo giam ở nhiều nơi thuộc Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai), Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng… Biết chúng tôi về từ Côn Đảo, anh em tù chính trị rất tôn trọng, chăm sóc chúng tôi. Trong thời gian ở đất liền, chúng tôi vừa đấu tranh giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, chống lại hà khắc của chế độ Ngô Đình Diệm, vừa dạy nhau học chữ, học tiếng Anh.

Tháng 2/1964, địch đưa chúng tôi trở lại Côn Đảo. Tôi và các tù chính trị tại Trại I đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh. Trong đó, nổi bật là cuộc đấu tranh tuyệt thực 22 ngày đêm vào năm 1964. Trước đó, đời sống của tù chính trị rất cực khổ vì địch cắt bớt thức ăn, nước uống; bít kín các cửa sổ để làm phòng giam ngột ngạt. Ngày 6 và 7/6/1964, có 136 tù chính trị ở các phòng giam 5, 7, 8 tuyên bố tuyệt thực. Đến ngày 9 thì có thêm 65 tù chính trị ở phòng 4 hưởng ứng. Chúng tôi yêu cầu địch phải chấp nhận các nội dung chính: giải tỏa cấm cố, mở cửa cho ra ngoài tắm giặt, tắm nắng; cải thiện bữa ăn hằng ngày; được cấp quần, áo, chăn, chiếu; cấp thuốc men chữa bệnh cho tù nhân; được tự do thư từ với gia đình, tương trợ nhau…

Địch dùng nhiều cách để xoa dịu, mua chuộc; phá hoại cuộc tuyệt thực bằng cách trộn phòng để chúng tôi không thể liên lạc, lãnh đạo cuộc đấu tranh. Trong thời gian đấu tranh với địch bằng cách tuyệt thực, có 4 anh đã hy sinh là Nguyễn Văn Nghĩa, Đoàn Khôi, Bùi Dự, Lê Minh Đức. Cuộc tuyệt thực đã tạo tiếng vang lớn tới đất liền. Trong các ngày 24 và 25/6/1964, các phái đoàn Tổng nha cải huấn, Phủ Thủ tướng, Bộ Nội vụ của địch đã ra Côn Đảo nắm tình hình. Sáng 27/6, cuộc tuyệt thực kết thúc khi địch chấp nhận giải quyết các yêu sách của chúng tôi. Đây là cuộc tuyệt thực dài ngày nhất trong lịch sử Nhà tù Côn Đảo.

 

CỰU TÙ CHÍNH TRỊ LÝ XUÂN SANG

Trong gian khó càng phải vững niềm tin

Đối với tôi, 5 năm ở Côn Đảo là ký ức không thể nào quên. Đó không chỉ là trường học tôi luyện ý chí, phẩm chất cách mạng, mà còn chan chứa tình yêu thương của những người đồng đội.

Năm 1962, tôi được tổ chức điều lên Sài Gòn, hoạt động ở Khu đoàn Sài Gòn, là ủy viên Ban cán sự học sinh Sài Gòn, được giao nhiệm vụ phụ trách học sinh trường tư Sài Gòn. Tôi thường có mặt trong các phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên thời ấy. Ngày 9/5/1965 tôi bị bắt, đưa về Tổng nha, bị đánh đập, tra tấn. Sau đó, tôi bị kết án 5 năm tù, 10 năm biệt xứ với tội danh phá rối trị an có thể gây thành cuộc bạo loạn chính trị, rồi bị đưa ra Côn Đảo cùng 470 tù nhân khác. Lúc đó, tôi mang tên Lý Minh Chánh, sinh năm 1943 (tên thật là Lý Xuân Sang, sinh năm 1940).

Ngày đầu tiên bị đưa vào phòng 10 Trại 4, tôi chống chào cờ và bị tra tấn dã man. Những ngày sau đó, tôi bị còng chân cùng nhiều người khác, nằm sấp, bị đánh bầm dập, đớn đau không tả xiết. Chúng tôi bị đánh bất cứ lúc nào, bất kể lý do gì. Trong gian khổ, anh em bạn tù càng thương nhau hơn, động viên, an ủi, sớt chia từng ngụm nước, viên thuốc. Sau thời gian bị hành hạ, mang thương tích nặng, thấy tôi không ổn, địch đưa tôi đến phòng 12 Trại 3, rồi chuyển đi nằm viện 1 tuần.

Tiếp đó, chúng đưa tôi và một số anh em đi làm ở Sở Củi. Mỗi ngày vô rừng đốn củi rất vất vả. Ai không làm tốt theo yêu cầu hoặc chưa đạt chỉ tiêu thì bị đánh đập. Anh em canh những lúc lính không để ý, người khỏe phụ người yếu hơn. Chúng tôi ăn uống rất kham khổ, nhiều khi thấy giòi trộn chung với mắm ruốc, cá khô nhưng ráng nuốt cho qua. Sức khỏe kém cộng với lao lực khiến nhiều anh em bệnh nặng, không qua khỏi… Trong gian khó, chúng tôi càng giữ vững niềm tin vào lý tưởng cách mạng của mình.

Sau hơn 3 năm đi đốn củi, tôi được chuyển về phòng nội trại. Những ngày ở đây, nghe tin Bác mất, chúng tôi buồn vô hạn. Trong đêm, tôi và gần 100 bạn tù chung phòng cùng hướng về phương Bắc để tưởng niệm Bác. Năm 1970, kết thúc 5 năm tù, địch đưa tôi về Chí Hòa, rồi lại đưa lên Biên Hòa với mục đích đày biệt xứ. Tuy nhiên, tôi trốn được về Cần Thơ, móc nối lại với tổ chức, tiếp tục hoạt động bí mật trong nhiều vỏ bọc khác nhau…

QUỐC THÁI - KIỀU CHINH - PHẠM TRUNG (Ghi)

 
 

 

;
.