Chiều 13/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh khóa VII nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thảo luận, chất vấn các nội dung về chuyển đổi số; nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh tăng cường trong trường phổ thông. Đặc biệt, các đại biểu dành thời gian chất vấn sâu các vấn đề liên quan đến công tác phân luồng HS sau THCS.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT trả lời các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG |
Về nội dung phân luồng HS sau THCS, đại biểu Võ Ngọc Thanh Trúc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị Sở GD-ĐT làm rõ các biện pháp, định hướng tháo gỡ những khó khăn về môi trường học nghề để tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS an tâm theo học nghề.
Đại biểu Võ Ngọc Thanh Trúc phân tích, ngày 13/12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 97 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh. Theo đó, đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 “Phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT đạt 60%”. Đồng nghĩa, 40% còn lại sẽ không vào THPT, mà tiếp tục học tập tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong số khoảng 40% HS tốt nghiệp THCS sẽ được định hướng học nghề sớm. Trong ảnh: Chương trình tư vấn hướng nghiệp cho HS THCS tại trường học trên địa bàn tỉnh. Ảnh: KHÁNH CHI |
Trong khi đó, phần lớn phụ huynh và bản thân HS sau khi tốt nghiệp THCS đều có nguyện vọng được tiếp tục học tập tại các trường THPT công lập. Mặt khác, hệ thống trường lớp THPT công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng, mở rộng khang trang, đủ khả năng tiếp nhận học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học tập.
Trong khi, 8 trường tổ chức đào tạo nghề dành cho HS tốt nghiệp THCS chỉ tập trung tại các 4 huyện, thị, thành phố: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Đất Đỏ. Do đó, HS các huyện còn lại phải đi học xa, hoặc phải ở lại ký túc xá.
Tuy nhiên, hiện nay, ký túc xá tại 8 trường tổ chức đào tạo nghề nêu trên có sức chứa tối đa 2.600 HS. Trong khi đó, riêng năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh có 18.391 HS tốt nghiệp THCS, 12.091 HS vào THPT công lập, dự kiến số HS được phân luồng tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tối đa khoảng 6.300 HS và tối thiểu là 40.058 HS. Như vậy, dù tối đa hay tối thiểu các ký túc xá cũng không đủ đáp ứng nhu cầu cho HS.
Để tiếp tục học tập, HS phải thuê ở phòng trọ. Nhiều phụ huynh lo lắng con em với lứa tuổi 15 -16 sống tự do, thiếu sự quản lý của gia đình, dễ vướng vào tệ nạn xã hội, nên cho nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình.
Ngày 15/8/2018, Sở LĐTBXH có công văn số 2580 đề nghị các địa phương giới thiệu quỹ đất được quy hoạch cho mục đích giáo dục dạy nghề để giới thiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có huyện Côn Đảo đã bố trí 5.700 m2 cho mục đích trên.
Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 1 TTGDTX cấp tỉnh, 5 TTGDTX cấp huyện. Hầu hết cơ sở vật chất được xây dựng khá lâu, xuống cấp, hư hỏng. Một số trung tâm có khuôn viên chật hẹp (như: TTGDTX – dạy nghề - Giới thiệu việc làm Xuyên Mộc, Vũng Tàu, Long Điền - Đất Đỏ). Trang thiết bị thiếu, hư hỏng, không sử dụng được như: TTGDTX – dạy nghề - Giới thiệu việc làm Xuyên Mộc, Vũng Tàu) ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của GV và HS.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 40% HS không vào công lập thì trong đó sẽ phấn đấu phân luồng, định hướng các em theo học nghề. Đây là chỉ tiêu phấn đấu để giúp các em HS có định hướng nghề nghiệp sớm, phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu lao động của xã hội.
Một giờ học thực hành của học viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NGUYỄN THI |
"Đề án phân luồng học nghề nhằm cơ cấu lại nguồn lao động của Chính phủ để không xảy ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Do đó, giải pháp mở rộng các cơ sở trường nghề ở các địa phương là cần thiết và phải làm hiệu quả. Đào tạo nghề cho HS ra trường có việc làm để đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn", bà Châu phân tích.
Vấn đề thứ hai về TTGDTX có chức năng nhiệm vụ phục vụ nhu cầu người học chứ không phải tiếp nhận tỷ lệ nhất định HS vào học THPT tại đây. Đối với chương trình học này, Sở GD-ĐT sẽ điều tiết nhu cầu người đọc. Nếu khó về cơ sở vật chất, GV thì các trường THPT trên địa bàn có nhiệm vụ đào tạo chương trình THPT hệ GDTX.
Về vấn đề cơ sở vật chất các trường THPT bà Châu khẳng định có thể đáp ứng việc tiếp nhận toàn bộ HS tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, cái khó ở đây là đội ngũ GV sẽ không đủ đáp ứng.
MINH THIÊN