NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Những người con gái vóc dáng nhỏ bé nhưng có sức mạnh phi thường là cảm nhận của chúng tôi khi được gặp gỡ những người nữ cựu tù yêu nước năm xưa, hiện là hội viên Hội Người tù kháng chiến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ (bìa phải), Chủ tịch Hội người tù kháng chiến tỉnh tham dự Lễ truy niệm các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo sáng 17/7/2023. Ảnh: BẢO KHÁNH |
Sống xứng đáng với quê hương anh hùng
Đúng ngày kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), chúng tôi có dịp trò chuyện cùng nữ chiến sĩ trung dũng kiên cường năm xưa - bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1951), hiện là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Long (TP. Bà Rịa) anh hùng, trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha đi tập kết miền Bắc, mẹ là cơ sở cách mạng, cô gái nhỏ Nguyễn Thị Mỹ đã sớm giác ngộ cách mạng.
Bà Mỹ kể: “Mới 10 tuổi, tôi phải đi ở đợ để tự nuôi sống bản thân, còn má cứ vài hôm lại bị địch bắt, nhốt vài ngày rồi lại thả. Nhà bị địch đốt phá, má đi ở nhờ, làm thuê đủ thứ công việc kể cả gánh phân heo, phân bò cho chủ để kiếm sống. Cũng nhờ vậy mà má che được mắt địch để hoạt động cách mạng. Trên phân chuồng, dưới truyền đơn, cá khô, gạo; còn khi đi cắt lúa thuê má giở theo cà mèn cơm, trên cơm, dưới thư từ và gạo để tiếp tế lương thực, đưa tin tức cho các chú, các anh”.
12 tuổi, lần đầu tiên cô bé Mỹ được đưa vào vùng giải phóng dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Đoàn (26/3). “Lúc đó, tôi thấy có 60 anh chị em xung phong lên đường tòng quân nhập ngũ nên về nhà cũng xin má thoát ly. Nhưng thấy tôi còn quá nhỏ, sợ theo làm phiền các anh nên má tôi động viên chờ thêm hai năm nữa. Đến đầu năm 1965, được má đồng ý, tôi theo các anh vào chiến khu. Qua 4 năm với các nhiệm vụ thư ký văn phòng, tải thương, tải đạn… tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến 10/5/1968, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được chuyển Đảng chính thức vào tháng 2/1969 lúc tròn 18 tuổi. Và đến ngày 3/6/1969, tôi được phân công về xã Hòa Long trong thời điểm địch mở cuộc càn quét lớn…”, bà Mỹ nhớ lại.
Nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Mỹ bị bắt trong trận càn quét lớn bao vây xã Hòa Long và bị đày đi nhà lao Phú Tài (Quy Nhơn). Những năm tháng nơi đây, bà bị địch tra tấn ngày đêm, phơi nắng, bỏ đói, nhốt cách ly; mùa nắng thiếu nước, mùa lạnh rét thấu xương nhưng không hề gục ngã trước áp bức của địch, luôn giữ vững lập trường cách mạng.
Bà Mỹ bồi hồi tiếp tục câu chuyện: “Ngày 15/8/1972, khắp chiến trường ta đánh mạnh, địch buộc phải đưa hơn 900 tù nhân nữ về nhà lao Cần Thơ đề phòng ta tấn công giải thoát. Sau ngày Hiệp định Pari ký kết, ngày 15/2/1973, tôi cùng 905 chị em tù được trao trả về với cách mạng. Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục con đường cách mạng đã chọn, luôn hăng hái công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Rồi về công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ và tiếp đó là Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và giờ đây là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh. Tôi luôn sống và cống hiến, xứng đáng với người đi trước, với quê hương anh hùng!”…
Quá trình hoạt động cách mạng và công tác, bà Nguyễn Thị Mỹ được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng II; Huân chương Quyết thắng hạng II; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày cùng nhiều Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen các cấp tặng.
Người con gái Xuyên Mộc kiên cường
Đối với bà Bùi Thị Na (SN 1942) là câu chuyện về người con gái Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiên cường, bất khuất.
Bà Na kể: “Cha tôi là công nhân đồn điền cao su, tham gia cách mạng, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà. Chính vì thế nên khi còn nhỏ tuổi, tôi đã được giác ngộ, làm liên lạc cho bộ đội. Đến 16 tuổi chuyển qua công tác binh vận. Ngày 14/4/1961, tôi bị bắt và bị tra tấn dã man nhưng chưa bao giờ rơi lệ, chỉ nhớ thương đứa con thơ lúc đó 2 tuổi được gửi cho gia đình chồng chăm sóc, nuôi nấng. Sau hơn 1 tháng, dù không nhận bất cứ điều gì địch gán ghép nhưng chúng vẫn đưa tôi ra Tòa án Quân sự đặc biệt và kết án 15 năm tù khổ sai và đày đi biệt xứ”.
Bị đày từ nhà lao Bà Rịa, Chí Hòa, Thủ Đức đến Phú Lợi, Tam Hiệp và 3 lần bị đày đi Côn Đảo trong suốt 13 năm tù, giam cầm ở Chuồng Cọp gian khổ nhưng không khi nào làm bà nhụt chí. Hiệp định Paris ký kết (27/1/1973), trong đó có điều khoản trao trả tù binh. Đến tháng 3/1974, bà Bùi Thị Na được địch trao trả.
Sau giải phóng, bà Bùi Thị Na được phân công tiếp quản Sài Gòn. Quá trình công tác, bà được tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng II; Huân chương Quyết thắng hạng I; Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp. Giờ đây, bà Na sống vui hưởng tuổi già với vợ chồng người con trai duy nhất cùng 3 cháu nội thương yêu ở ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc.
Nữ chiến sĩ giao liên gan dạ
Bà Mai Thị Phương (Út Na) dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ xã Long Mỹ (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) sáng 27/7/2023. |
Đó là bà Mai Thị Phương (tên ở trong tù là Út Na, SN 1947) nay thường trú tại TP. Vũng Tàu. Gặp chúng tôi, bà Phương kể lại: “14 tuổi, tôi nghỉ học tham gia phong trào, làm giao liên hợp pháp cho xã Tân An, huyện Nam Bến Cát, tỉnh Bình Dương quê tôi. Tham gia các cuộc đấu tranh chính trị, vận động thanh niên nam nữ tòng quân nhập ngũ. Tháng 11/1968, qua nhiều lần thử lửa, tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Trước chân dung Bác Hồ và Đảng kỳ, tôi đã hứa quyết tâm chiến đấu đến hơi thở sau cùng vì sự nghiệp cách mạng”.
7 năm trời, người nữ giao liên công khai phục vụ cho Khu Sài Gòn trên các tuyến đường từ miền Đông Nam Bộ cho tới Tây Nam Bộ; hàng ngàn chuyến công tác ra, vào trót lọt, an toàn, bảo đảm tài liệu công văn, đưa rước cán bộ… 2 lần không may sa vào tay giặc, ngót 4 năm tù trong các nhà lao, nếm đủ cực hình dã man với hàng trăm trận đòn tra tấn, nữ chiến sĩ cộng sản Út Na vẫn hiên ngang nêu cao khí tiết cộng sản. Ra tù bà tiếp tục làm giao liên công khai cho tới ngày toàn thắng.
Hội Người tù kháng chiến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện còn 705 hội viên sinh hoạt tại 8 Hội huyện, thị, thành phố. |
Năm 1981, bà Mai Thị Phương được phân công về làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nhà nghỉ Vũng Tàu trực thuộc Tổng Công đoàn Việt Nam cho đến năm 1993 nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Quá trình cống hiến, là thương binh 2/4, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, nhiều Huy chương và Bằng khen…
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG