Chuyện về những người có công tiêu biểu
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Vượt qua nỗi đau mất mát trong chiến tranh, những người có công, thân thân liệt sĩ luôn tích cực góp sức xây dựng quê hương, quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn. Họ là những tấm gương người có công tiêu biểu của Bà Rịa- Vũng Tàu vinh dự tham dự Hội nghị gặp mặt đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023 tại TP.Huế nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Đăng Sớm và bà Lâm Thị Bé dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023. |
“Giúp được ai ngày nào là hạnh phúc ngày đó”
Câu chuyện về người vợ liệt sĩ Lâm Thị Bé-vợ liệt sĩ Lê Hồng Cẩm (73 tuổi, ở ấp Nam, xã Long Phước, TP.Bà Rịa) khiến nhiều người cảm phục.
Bà Lâm Thị Bé lập gia đình năm 1970. Sau khi sinh con trai đầu lòng và đang mang bầu con gái thứ 2 thì năm 1972 chồng bà tham gia hoạt động cách mạng. “Hồi đó tui chỉ biết ổng đi làm cách mạng ở rừng. Tui chỉ vào thăm và gặp ổng được 1 lần. Tới năm 1973, tui đau đớn nhận tin chồng hy sinh. Lúc đó tui nghe kể lại, ổng cùng các anh em đang làm nhiệm vụ dưới hầm bí mật thì bị bắn. Khi hay tin ổng mất tui chỉ biết vầy chứ không dám đi tìm vì lúc đó địch lùng sục rất gắt gao. Sau giải phóng, gia đình tui mới đi tìm mộ ổng”, bà Lâm Thị Bé nhớ lại.
Hơn 50 năm trôi qua, kể từ khi chồng ngã xuống để Tổ quốc được thanh bình, nén nỗi đau thương, giấu nước mắt trong lòng, bà tiếp tục nuôi con khôn lớn và trở thành tấm gương tiêu biểu ở địa phương. Bà Lâm Thị Bé cho biết, để nuôi 2 người con khôn lớn, bà đã trải qua nhiều vất vả, gian truân. May mắn, các con bà đều tiếp nối truyền thống gia đình, luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Hiện cả 2 người con của bà đều là cán bộ nhà nước.
Bà Lâm Thị Bé chia sẻ: “Trong thời chiến tranh, cả nước ai cũng phải hy sinh như thế cả. Tui luôn dặn dò các con, các cháu, dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải nỗ lực học tập và công tác tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, giữ vững truyền thống gia đình, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông”.
Sau khi các con trưởng thành, có cuộc sống ổn định, bà Bé dành nhiều thời gian và tích cực đóng góp cho an sinh xã hội. Ở địa phương như: tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, quỹ vì người nghèo, quỹ nhân đạo… “Tui lớn lên trong gian khó và vất vả. Nên luôn mong muốn hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Tui nghĩ, mình còn giúp được ai ngày nào là hạnh phúc ngày đó”, bà Sớm chia sẻ.
Phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ
Hơn 48 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về những năm tháng chiến đấu vào sinh ra tử cùng đồng đội vẫn vẹn nguyên trong ký ức ông Nguyễn Đăng Sớm (68 tuổi, phường 4, TP.Vũng Tàu). Ông là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 35%, được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.
Cuối năm 1972, ông Nguyễn Đăng Sớm nhập ngũ tại Trung đoàn 2 Hải Hưng (tỉnh Hải Dương). Sau 3 tháng huấn luyện, ông tham gia chiến đấu tại mặt trận phía Nam (địa bàn tỉnh Tây Ninh). Từ năm 1973-1975, ông cùng đơn vị Đoàn 500 (Quân Khu 7) làm công tác phục vụ hậu cần cho lực lượng tân binh để chuẩn bị vào các chiến trường. Đồng thời chăm sóc, bồi dưỡng thương, bệnh binh nặng để chuyển ra miền Bắc điều trị. Ông Sớm chia sẻ: “Khu vực này lúc đó rất ác liệt. Giặc dùng bom chứa chất độc hóa học rải xuống, đốt cháy các khu rừng để bộ đội mình không có nơi ẩn nấp. Đây là khoảng thời gian tôi bị phơi nhiễm chất độc hóa học”.
Năm 1977, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc và về làm việc tại Công ty Xây lắp Bộ Nội thương. Đến năm 1990, ông xin nghỉ do hoàn cảnh gia đình và thành lập công ty kinh doanh sản xuất vật liệu xây dựng, tăng gia sản xuất giúp gia đình phát triển kinh tế. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động tại khu phố 2 (phường 4) với chức danh Trưởng Ban điều hành khu phố, đại biểu HĐND phường 4 nhiệm kỳ 2021-2026…
Khắc ghi lời Bác dạy, ông Sớm luôn giữ gìn phẩm chất và phát huy truyền thống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, luôn giương mẫu, trách nhiệm trong xây khu phố, phường, giúp đỡ cộng đồng. Ông vận động hỗ trợ các trường hợp khó khăn; các cháu gia đình khó khăn; tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Ông là điển hình trong các hoạt động vì cộng đồng ở địa phương, được người dân và lãnh đạo địa phương ghi nhận.
Gương mẫu, trách nhiệm với cộng đồng
Nhiều năm nay, thương binh Nguyễn Văn Hồng (71 tuổi, ở ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ), con liệt sĩ, không những được người dân trong ấp yêu mến mà còn được chính quyền địa phương nể phục, bởi lối sống đầy trách nhiệm với cộng đồng.
Ông Hồng chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, tôi luôn mong muốn được tiếp nối, cống hiến cho đất nước. Những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt cùng anh em đồng đội, chúng tôi lúc ấy chỉ có một suy nghĩ là kiên cường, dũng cảm và sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc”.
Sau khi rời quân ngũ, ông trở về quê hương và trải qua nhiều vị trí công tác như: Bí thư xã Phước Long Hội, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đất Đỏ, Phó Bí thư Thường trực huyện Đất Đỏ nhiệm kỳ 2005-2010… Ông Nguyễn Văn Hồng là một đảng viên gương mẫu, một thương binh có nhiều cống hiến và nhất là lối sống mẫu mực, chan hòa trong suốt nhiều năm qua. Ông đã tích cực vận động người dân hiểu và thấm sâu chủ trương của các cấp. Để từ đó, người dân trong ấp đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Trong nhiều năm qua, ông luôn cùng địa phương vận động bà con tham gia vệ sinh đường, ngõ, chăm sóc đường hoa, cây cảnh, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Ông là người tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường nông thôn mới ở địa phương. Khi dịch COVID-19 xảy ra, ông cùng bà con ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, ủng hộ nông sản cho vùng có dịch. Đồng thời, ông còn tham gia đóng góp vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của Chi bộ ấp…
Với những đóng góp tâm huyết của mình cho sự phát triển của quê hương, ông Nguyễn Văn Hồng được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN