TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Dù với cương vị là người lính, người chỉ huy trong chiến tranh hay “người lèo lái” sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời bình, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh luôn phát huy phẩm chất cao quý bộ đội Cụ Hồ, hết lòng vì nước, vì dân.
Người lính kiên trung
Cách đây 2 năm, chúng tôi may mắn được gặp, lắng nghe Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh kể về những chiến tích oai hùng của LLVT tỉnh trong kháng chiến.
Ông không nhắc nhiều về bản thân, nhưng đâu đó, những mảnh nhỏ trong câu chuyện giúp những người trẻ như chúng tôi hiểu thêm nhiều về ông, từ khi còn là một anh thợ hàn tuổi đôi mươi với tinh thần yêu nước nồng nàn, cho đến khi trở thành một người chỉ huy tài ba trên chiến trường.
Từ khi còn nhỏ, thấy cảnh đất nước bị chia cắt, nhân dân lầm than, ông không thể “nhắm mắt làm ngơ”. Năm 1956, khi 21 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Minh Ninh đang là một thợ hàn có tay nghề tại Nhà Bè, đã tích cực tham gia vào một số hoạt động chống chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm và tiêu diệt được nhiều tên ác ôn. Đến năm 1958, khi Khu 7 đưa một số cán bộ xuống địa phương để thành lập C40, quân giải phóng miền Nam (tiền thân của Đại đội 445, sau này phát triển thành Tiểu đoàn 445), ông xung phong gia nhập và trở thành một trong những người lính đầu tiên của LLVT tỉnh.
Trở thành người lính bộ đội cụ Hồ, ông luôn quyết tâm, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu và lập được nhiều thành tích. Đến năm 1959, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ một người lính, ông dần được tổ chức tin tưởng, phân công đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1964, ông là Chính trị viên Đại đội 445 của LLVT địa phương và tham gia vào một trong những trận đánh đáng nhớ nhất của mình - chiến dịch Bình Giã.
Mở màn chiến dịch này, rạng sáng 2/12/1964, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định cho pháo binh tập kích hỏa lực vào chi khu. Lúc này, Đại đội 445 trực tiếp tham gia phối hợp với dân quân, du kích đánh vào ấp chiến lược, chiếm được 2/3 ấp Bình Giã. Tuy nhiên đến sáng, địch dùng máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu yểm trợ xuống giải vây buộc ta phải rút khỏi trận địa để bảo toàn lực lượng.
Đêm 7/12/1964, ta tăng cường lực lượng tiến công ấp Bình Giã lần thứ hai. Lần này, quân ta áp dụng nghệ thuật “điệu hổ ly sơn”, đánh “khơi ngòi” nhử địch đổ quân để tiêu diệt các chiến đoàn chủ lực của chúng đến cứu viện, giải tỏa. Đại đội 445 là một trong những LLVT địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức các đợt tiến công uy hiếp tinh thần quân địch trong ấp chiến lược. Sau nhiều ngày tiến công bằng những trận đánh nhỏ lẻ, Tiểu đoàn 38 biệt động quân của địch bị lộ đội hình. Đại đội 445 góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của chiến dịch.
Sau trận Bình Giã, từ năm 1964-1975, ông Nguyễn Minh Ninh tiếp tục được giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trong như Chính trị viên Huyện đội Long Đất, Chính trị viên Tiểu đoàn 445, Chính trị viên phó 1 Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh... Dù khi còn là người lính hay lúc làm chỉ huy, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và quân đội giao.
Đồng chí, đồng đội khi nói về ông luôn nhắc về một người lính, người chỉ huy kiên trung, dũng cảm nhưng đầy tỉnh táo và linh hoạt trên chiến trường.
Ngày 30/4/1975 lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hòa bình lập lại. Ông tiếp tục được giao nhiệm vụ chỉ huy trong các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh và Quân khu 7. Đến năm 1983, ông được phong hàm Thiếu tướng, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo.
Đặt nền móng cho sự phát triển của tỉnh
Sau 33 năm cống hiến trong quân đội, tháng 12/1989, ông Nguyễn Minh Ninh được giao trọng trách mới, khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và sau đó là gần 2 năm là Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, thời điểm ông Nguyễn Minh Ninh giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh là thời gian đầy gian khó. Nhưng bằng sự năng động, sáng tạo và tinh thần đổi mới, đoàn kết, “vị thuyền trưởng” Nguyễn Minh Ninh đã cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạo tiền đề vững chắc về kinh tế - xã hội của địa phương để sau này các thế hệ lãnh đạo tỉnh tiếp tục biến vùng quê nghèo, giàu truyền thống cách mạng trở thành địa phương có bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực.
Nhắc về “anh Năm Ninh”, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Minh cũng không khỏi bồi hồi, xúc động. Trong những năm tháng làm việc cùng nhau, ông luôn cảm phục người anh, người cấp trên của mình, từ trong thời chiến đến khi trở thành người “lèo lái” con thuyền kinh tế-xã hội của tỉnh. “Anh Năm Ninh luôn phát huy được phẩm chất tốt đẹp của người lính, đó là không bao giờ đầu hàng trước khó khăn và sẵn sàng chịu trách nhiệm, dám hy sinh quyền lợi của bản thân”, ông Nguyễn Trọng Minh nhấn mạnh.
Làm rõ nhận định này, ông Nguyễn Trọng Minh nhớ lại, thời điểm đó, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và từ năm 1991 là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nền công nghiệp lạc hậu, ngành hải sản, du lịch chưa phát triển. Cơ sở vật chất nghèo nàn, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp. “Đi từ Vũng Tàu tới huyện Xuyên Mộc phải mất cả ngày đường. Người dân rất khổ cực”, ông Nguyễn Trọng Minh kể.
Khi đó, Trung ương vẫn còn khó khăn, tỉnh cũng không có đủ nguồn lực để đầu tư làm đường. Sau nhiều tháng trăn trở, nhận thấy nguồn lực đất đai của tỉnh còn dồi dào nhưng chưa được tận dụng, ông Nguyễn Minh Ninh nảy ra ý tưởng về việc xây dựng cơ chế “đổi quỹ đất lấy hạ tầng” và được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đồng thuận cao.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 4/2020. |
Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh đầu tiên xây dựng cơ chế và được Chính phủ đồng ý cho thí điểm. Nhờ đó, trong những năm 1991, 1992, những công trình hạ tầng giao thông đầu tiên của tỉnh được triển khai. “Thời điểm đó quy định của pháp luật chưa rõ ràng, cơ chế vẫn còn nhiều thiếu sót nên việc anh Năm Ninh dám nghĩ, dám làm là cực kỳ dũng cảm, thể hiện tinh thần hết lòng vì sự phát triển của tỉnh, vì cuộc sống người dân của anh”, ông Nguyễn Trọng Minh nhận xét.
Và đúng như ông Nguyễn Trọng Minh nhận định, do một số vướng mắc trong cơ chế nên sau một thời gian thực hiện hiệu quả, chính sách “đổi quỹ đất lấy hạ tầng” phải tạm dừng. “Dù chưa thực hiện được lâu, anh Năm Ninh chính là người đặt tiền đề và nguồn cảm hứng để các thế hệ lãnh đạo kế cận tiếp tục thực hiện chính sách này. Qua đó, bộ mặt đô thị, nông thôn được khởi sắc, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những tỉnh có “hấp lực” thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cơ chế này sau đó cũng được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong cả nước”.
Có thể khẳng định rằng, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh với hơn 60 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, 40 năm giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội và chính quyền, đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, luôn hết mình vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và kiến thiết tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đặt nền móng để tỉnh có được thành tựu kinh tế-xã hội như hiện nay.
Với những cống hiến của mình, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh được Đảng, Nhà nước và quân đội ghi nhận, tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, Nhì; 3 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Một, Hai, Ba; Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Một, Hai, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Do tuổi cao, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh đã từ trần vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 9/6/2023 tại nhà riêng ở TP.Bà Rịa. Hưởng thọ 88 tuổi.
|
MINH NHÂN - QUANG VINH