*Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị làm rõ sai phạm trong thu BHXH
Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngay sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp điều hành Phiên chất vấn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên chất vấn |
Theo đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội với những nội dung cơ bản như sau:
(1) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
(2) Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.
(3) Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ…); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên chất vấn |
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Tham gia trả lời chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Huỳnh Thị Phúc |
Báo cáo tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn Quốc hội để ngành lao động, thương binh và xã hội có điều kiện báo cáo trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước về tình hình lao động, việc làm, công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp và công tác quản lý, phát triển bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định đây là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, người lao động và lực lượng hưu trí cả nước. Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được là tích cực và quan trọng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề còn hạn chế. Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng mong muốn lắng nghe ý kiến chất vấn của các vị đại biểu để giải trình và tiếp thu có giải pháp chấn chỉnh xử lý trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên chất vấn, theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội được cử tri và đông đảo nhân dân quan tâm. Đại biểu cho rằng, như Bộ trưởng đã xác định qua kết quả giám sát, nhiều địa phương đã có tình trạng thu BHXH bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc đối tượng phải đóng BHXH. Điều này cho thấy cơ quan này đã không thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan.
Đại hiểu Huỳnh Thị Phúc - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất |
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị làm rõ có tiêu cực trong thu BHXH hay không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Hướng xử lý trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu BHXH bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là BHXH Việt Nam, đặc biệt là BHXH của các địa phương.
Bộ trưởng cho biết, vấn đề này đã được phát hiện, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã làm việc với BHXH Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh việc này.
Bộ trưởng cho biết thêm, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp mong muốn và đề nghị xin chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.
Về câu hỏi của đại biểu có tình trạng tiêu cực hay không, Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về giải pháp căn cơ, trong chương trình xây dựng pháp luật đề xuất đưa các đối tượng này vào đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật bảo hiểm xã hội. Nếu được Quốc hội cho phép tại nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp này, Bộ kiến nghị cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)