Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi)

Thứ Ba, 20/06/2023, 16:28 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, chiều 20/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành: Biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau đó Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Tấn Quân cơ bản tán thành việc cần thiết xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với những lý do như đã đề cập tại Tờ trình số 162/Tr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương; đồng thời góp phần thống nhất về cơ sở dữ liệu, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành chi phí đầu tư của nhà nước…

Song đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động chỉ ra những vấn đề bất cập tổng quan, trong đó cần làm rõ hơn tác động của việc bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; vấn đề tài chính về tài nguyên nước và việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra; từ đó đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách.

Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường

Đối với quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại điểm a, khoản 1, Điều 42 dự thảo Luật quy định: “Việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước cho các mục đích phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh; trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch không quy định thì căn cứ vào chức năng nguồn nước và khả năng của nguồn nước”; đại biểu cho rằng nếu chỉ căn cứ vào việc phù hợp với quy hoạch của địa phương là chưa đầy đủ, chưa đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác sử dụng nước cho các mục đích phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác. Điều này nhằm đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước cụ thể hơn và chặt chẽ thông qua các quy hoạch tổng thể, toàn diện của các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương.

Về Dòng chảy tối thiểu (Điều 25) và Ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 26): Đại biểu Quân đánh giá quy định về “Dòng chảy tối thiểu” là một nội dung mới trong dự thảo luật và theo quy định tại khoản 2 Điều 25 thì “Dòng chảy tối thiểu” là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; Quy trình vận hành hồ chứa; Cấp giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước… Như vậy, việc xác định “Dòng chảy tối thiểu” phải triển khai làm trước… Tuy nhiên, trong dự thảo luật không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố, cũng như các phương pháp, các công cụ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng... Nếu không có hoặc chưa xác định được vấn đề này thì các Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh và nhiều quy hoạch khác có phê duyệt được không. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định tại Điều 25 này.

Tương tự đối với quy định tại Điều 26 của dự thảo luật về “Ngưỡng khai thác nước dưới đất”, đại biểu Quân cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc rà soát lại, vì nó cũng có một số nội dung tương tự như Điều 25. “Ngưỡng khai thác nước dưới đất” cũng là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến quy hoạch, nhưng dự thảo luật cũng chưa quy định cách thức, thời gian, phương pháp, quy chuẩn để xác định “Ngưỡng khai thác nước dưới đất”.

Về Quy hoạch về tài nguyên nước (Điều 15), quy hoạch liên quan đến nguồn nước liên quốc gia (Điều 73, 74, 75): Đại biểu Quân nhận định, dự thảo Luật đã quy định mới, bổ sung hoặc làm rõ về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh từ Điều 15 đến Điều 21…Tuy nhiên, quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia,…đã được quy định trong Luật Quy hoạch 2017 và cũng được dự thảo luật lần này quy định, nhưng chỉ nhắc tên (Tại Điều 73, 74, 75), không quy định cụ thể về căn cứ, nội dung nhiệm vụ, nội dung quy hoạch và trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch,… do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung làm rõ vấn đề này tại dự thảo Luật.

Về Đăng ký, Cấp giấy phép tài nguyên nước được quy định tại Điều 44 và các Điều 76, 77 -  thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ và UBND cấp tỉnh: Đại biểu nhận thấy có rất nhiều loại giấy phép và tên gọi khác nhau như: (1) Giấy phép tài nguyên nước; (2) Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (3) Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; (4) Giấy phép thăm dò nước dưới đất; (5) Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; (6) Giấy phép chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ… Đại biểu đề nghị rà soát lại sự trùng lặp hoặc thống nhất giữa các giấy phép, đăng ký (tên gọi, nội dung,…) mặt khác phải quy định cụ thể rõ ràng cho từng loại giấy phép bao gồm: Đối tượng phải có giấy phép; Nội dung giấy phép; Thẩm quyền cấp giấy phép; Hồ sơ trình tự, thủ tục cấp giấy phép; Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền, thu hồi; Phí, lệ phí cấp; Quyền, trách nhiệm người được cấp và Trách nhiệm cơ quan cấp,…Kể cả trình tự thủ tục đăng ký cấp phép. Luật cần có sự công khai, minh bạch nếu không cụ thể rất dễ dẫn đến tiêu cực.

Về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước (Chương VIII), đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa thống nhất về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của UBND các cấp được quy định tại Điều 44 và Điều 77. Đại biểu dẫn chứng, tại điểm e khoản 1 Điều 77, UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn “cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép về tài nguyên nước và cho phép chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ theo thẩm quyền”, nhưng khoản 2 Điều 77, thì UBND cấp huyện thì không có nhiệm vụ, quyền hạn như điểm e, khoản 1. Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 44 về Đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước lại quy định: “Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân cấp tỉnh, Ủy ban nhân cấp huyện, sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước theo thẩm quyền”. Như vậy, nội dung giữa hai điều khoản này chưa có sự thống nhất nhau về trách nhiệm, quyền hạn. Đề nghị tiếp tục rà soát để trách mâu thuẫn chồng chéo với nhau.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

;
.