Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Thứ Sáu, 09/06/2023, 15:58 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 9/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, sau khi thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ

Tổ thảo luận số 7, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994, trong thực tiễn đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, mặc khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự mà Pháp lệnh chưa điều chỉnh. Vì vậy, đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, để thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với 06 chương, 34 Điều. Dự thảo Luật chuẩn bị khá công phu trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và luật hóa các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Song đại biểu Yến nhận thấy, dự thảo luật chỉ có 34 Điều nhưng có đến hơn 1/3 Điều khoản (cụ thể là 09 Điều) dự thảo Luật giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Quốc phòng hướng dẫn chi tiết (Theo đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn đối với các Điều: 9, 10, 12; Chính phủ hướng dẫn các Điều: 5, 11, 16, 17, 25, 26) là khá nhiều so với bố cục điều khoản luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết bằng quy phạm pháp luật trong dự thảo luật để thực hiện thống nhất, nhằm nâng cao tính khả thi trong thực tiễn, khi luật được thông qua và có hiệu lực, tránh tình trạng khi Luật có hiệu lực phải mất thời gian chờ hướng dẫn áp dụng Luật.

Về chính sách của nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 4)

Đại biểu Yến cho biết thống nhất cao đối với chính sách quy định tại khoản 1 Điều 4 về nội dung: “Nhà nước có chính sách đầu tư cho quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm khả năng phòng thủ của đất nước, ưu tiên trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu”. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc luật hóa bằng quy định hoặc cơ chế riêng cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho các dự án đầu tư xây dựng công trình chiến đấu - Bởi vì, đại biểu dẫn chứng trình tự, thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là từ rừng tự nhiên rất phức tạp. Rất nhiều bộ ngành thẩm định, có ý kiến, nhiều cấp độ kiểm tra, rà soát dẫn đến thời gian kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án. Chưa kể, giai đoạn thực hiện phải thực hiện ngay khi đăng ký quy hoạch đất để có quy hoạch chuyển đổi rừng, thời gian này phải thực hiện ngay khi lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Vì vậy mà thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư các công trình quân sự, quốc phòng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng (Điều 20)

Đại biểu Yến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, cần quy định rõ việc tạm giữ người theo điểm c, khoản 2 Điều 20 - Quyền hạn của lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng về quyền: “Tạm giữ người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực cấm, khu vực bảo vệ khi có căn cứ cho rằng người, đồ vật, phương tiện đó có nguy cơ nguy hại đến an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự" là tạm giữ theo thủ tục hành chính hay theo thủ tục tố tụng hình sự. Trường hợp tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự thì phải đảm bảo các quy định về tạm giữ người có hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Về chế tài xử lý tình trạng lấn, chiếm sử dụng đất công trình quốc phòng và khu vực quân sự

Đại biểu Yến dẫn chứng trong thực tiễn tại các địa phương trên toàn quốc; ít nhiều đang tồn tại tình trạng xâm lấn đất công trình quốc phòng và khu quân sự gây khó khăn cho hoạt động xây dựng các công trình dân sự.

Theo đó, tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp, tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra; hành vi xâm phạm, phá hủy công trình quốc phòng và khu quân sự như đập phá công trình, lô cốt cũ, mốc khống chế pháo binh, mốc đất quốc phòng để lấy sắt, thép vẫn diễn ra ở một số địa phương. Thực tiễn đã chứng kiến giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp đất đai công trình quốc phòng, khu quân sự, hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự trong cả nước có nhiều chỗ xen kẽ khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư hiện hữu. Điều này cho thấy tính chất phức tạp trong tranh chấp, giải quyết tranh chấp liên quan đến lấn chiếm đất quốc phòng. Tuy nhiên, đại biểu Yến nhận thấy Dự thảo Luật chưa có quy định chế tài về xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm, đồng thời cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử về giao, sử dụng đất công trình quốc phòng, khu quân sự để giải quyết thực trạng trên.

Các đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đỗ Văn Yên, Nguyễn Tâm Hùng, Dương Tấn Quân thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại phiên thảo luận tổ.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

 

;
.