Quốc hội thảo luận tại tổ dự án luật đất đai (sửa đổi)

Thứ Sáu, 09/06/2023, 11:24 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 9/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đối với lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tổ thảo luận số 7, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản thống nhất với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm 16 Chương, 263 Điều, trong đó tăng 5 Mục, bổ sung mới 40 Điều, bỏ 13 Điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Góp ý đối với một số điều khoản cụ thể, đại biểu Yến đề nghị:

Về Quy định về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 28)

Đại biểu nhận thấy, quy định tạ Khoản 1 Điều 28 Dự thảo Luật về nội dung: “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này” vẫn giữ nguyên tinh thần của Luật Đất đai 2013, tuy nhiên trong thực tế, quy định này bộc lộ những bất cập. Cụ thể theo quy định tại Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật Đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất”.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu Yến cho rằng các quy định của Luật Đất đai hiện hành và Dự thảo Luật là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về các hợp đồng về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, các luật liên quan còn cho phép các loại giao dịch khác về quyền sử dụng đất, ví dụ: quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cho phép vợ chồng có thể thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất trong thời kỳ hôn nhân, hoặc thỏa thuận nhập quyền sử dụng đất vào tài sản chung.

Từ thực tế trên, đại biểu Yến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định của khoản 1, Điều 28 Dự thảo Luật như sau: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này và các giao dịch khác về đất đai theo quy định của Luật khác có liên quan".

Về Quy định về quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất (Điều 32)

Đại biểu Yến cho biết quy định tại khoản 1, Điều 32 Dự thảo Luật về nội dung: “Tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nhưng thuộc trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại Luật này được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và phải xác định lại giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này”, đã gần như thay đổi khá nhiều so với nội dung quy định tương ứng tại Điều 172 Luật Đất đai 2013 và bóng dáng của quyền lựa chọn gần như không còn. Do vậy, dại biểu cho rằng khi nội hàm quy định đã thay đổi thì không thể giữ nguyên tên Điều luật như cũ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh cụ thể về tiêu đề của tên Điều luật như thành:"Điều 32. Chuyển hình thức trả tiền thuê đất”.

Về nguyên tắc bồi thường về đất (Điều 90)

Đại biểu Yến cho biết tại Khoản 2 điều 90 dự thảo Luật quy định “Đối với người có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở”. Đây là một điểm rất mới so với quy định hiện nay trong Luật đất đai 2013 và thể hiện sự linh động trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên để đảm bảo tính ngang giá thì trong quy định này cần phải bổ sung thêm yếu tố tương đương giữa giá trị thiệt hại và giá trị bồi thường. Vì vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng: “Đối với người có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở với giá trị tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi”. Việc bổ sung nội dung trên trong dự thảo không chỉ đảm bảo tính ngang giá mà còn giúp công tác bồi thường được minh bạch. Đồng thời, để tránh một quy định mang tính linh động trở nên tùy nghi trong quá trình bồi thường cho người dân thì cần định lượng rõ ràng và cụ thể - Đại biểu Yến phát biểu.

Về Thủ tục hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 233)

Đại biểu Yến viện dẫn Điều 233 Dự thảo Luật quy định:

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án….

3. Hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã:

(a). Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải” .

Đại biểu nhận thấy thì nếu quy định như trên thì hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc (cũng là thủ tục tiền tố tụng) như hiện nay thì nhất thiết phải làm rõ khái niệm “tranh chấp đất đai”.

Theo Dự thảo, khái niệm tranh chấp đất đai tại khoản 59, Điều 3 Dự thảo Luật “là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”, có phạm vi khá rộng, có thể là quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, ngoài hợp đồng, hoặc cũng có thể là quyền sử dụng đất, nên cần xác định lại theo hướng các tranh chấp này chỉ bao gồm tranh chấp để xác định ai là người có quyền sử dụng đất hợp pháp, các tranh chấp khác có liên quan đến đất đai nên được xác định là tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất. Việc thu hẹp lại nội hàm của khái niệm tranh chấp đất đai có thủ tục hòa giải giúp cho việc áp dụng và hiểu khái niệm tranh chấp đất đai không gây hiểu nhầm. Tránh sự trùng lặp với các tranh chấp hợp đồng dân sự. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc cần quy định rõ, hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc hay thủ tục khuyến khích áp dụng.

Đại biểu Yến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định tại khoản 59, Điều 3 Dự thảo Luật Đất đai từ: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Sửa thành: Tranh chấp đất đai là tranh chấp xác định chủ thể nào có quyền sử dụng đất hợp pháp”.

Quang cảnh thảo luận tổ
Quang cảnh thảo luận tổ

Bên cạnh đó, đại biểu Yến nhận thấy Dự thảo Luật đã có bổ sung thủ tục hòa giải tại toà án nên việc duy trì quy định hòa giải tranh chấp đất đai tại Uỷ ban nhân dân cấp xã tôi nhận thấy không thật sự có nhiều ý nghĩa. Vì theo Luật hòa giải, đối thoại tại toà năm 2020, việc hòa giải tại toà án mặc dù do hoà giải viên thực hiện nhưng đều có thẩm phán phụ trách hòa giải đối thoại. Kết quả hòa giải theo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng có thể được tòa án công nhận theo luật này. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nên quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng giao toàn bộ cho tòa án giải quyết, thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nên thay đổi theo hướng không bắt buộc.

Các đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đỗ Văn Yên, Nguyễn Tâm Hùng, Dương Tấn Quân thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

;
.