Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Giám sát chuyên đề 'Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực...'

Thứ Bảy, 24/06/2023, 15:59 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chiều 24/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề“Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” với 475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm  96,15%.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Theo đó, Quốc hội nhất trí đánh giá: Dịch COVID-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, kịp thời chuyển hướng chiến lược với những quyết sách đúng đắn, phù hợp với từng thời kỳ và diễn biến của dịch.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 được quan tâm, chú trọng; đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 với những quyết sách mạnh mẽ và nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc cách chưa có tiền lệ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cả nước huy động nguồn lực và triển khai phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo xây dựng các văn bản cụ thể hóa và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch có hiệu quả…

Trên cơ sở các quyết sách linh hoạt, kịp thời và sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, cùng với sự ủng hộ to lớn về vật chất, tinh thần của các nước, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả huy động, quản lý và sử dụng tổng hợp các nguồn lực cùng với thành công của ngoại giao vắc-xin, thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên cả nước đã góp phần quan trọng, có tính chất quyết định, giúp xoay chuyển tình thế, kiểm soát thành công đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội đã nghiêm túc chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, trong đó có việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Có những sai phạm nghiêm trọng trong nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. Trong đó, nhiều cán bộ ở trung ương, địa phương và các cá nhân có liên quan bị kỷ luật và xử lý hình sự…

Quốc hội nhận định việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022, tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch, bệnh, nhất là dịch COVID-19.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ. Y tế cơ sở, y tế dự phòng được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước…

Bên cạnh đó, có sự tham gia tích cực của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, y tế trường học, trạm y tế quân dân y, các cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang. Cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến với gần 80% trạm y tế xã được đầu tư kiên cố. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế được cải thiện…

Song, bên cạnh những kết quả tích cực, Quốc hội cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế: Hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đồng bộ, một số văn bản chậm được ban hành, sửa đổi; hệ thống tổ chức còn thiếu ổn định, nhiều bất cập, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện chưa thống nhất, chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y tế tư nhân và y dược cổ truyền. Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi cùng với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm…

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên chất vấn
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên chất vấn

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19/5/2023 của Đoàn giám sát, đồng thời tập trung thực hiện tốt 12 nhiệm vụ và giải pháp sau:

(1). Khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng và tình trạng khẩn cấp. Xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá.

(2). Khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại và ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19;

(3). Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng: Y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; Y tế dự phòng tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe người lao động, người cao tuổi, bà mẹ và trẻ em, dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe;

(4). Đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân viên làm việc tại trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản;

(5). Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng;

(6). Nâng cao năng lực phòng, chống dịch, bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị trong nước; bảo đảm thuốc, vắc-xin, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân…;

(7). Có giải pháp để hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ toàn diện theo lộ trình được xác định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;

(8). Thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; bảo đảm quản lý toàn diện của chính quyền địa phương, nhất là về nhân lực và cơ sở vật chất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với việc quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

(9). Đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030. Hướng dẫn cách xác định phạm vi chi, nội dung chi bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII…;

(10). Tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân; nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả tương ứng với mức tăng bảo hiểm y tế. Giải quyết triệt để những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

(11). Thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch và về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xây dựng tiêu chí và thực hiện thường xuyên việc thống kê, quản lý dữ liệu về y tế thống nhất trong cả nước; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc và các hành vi vi phạm;

(12). Các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Đối với các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện theo các quy định, chính sách, hình thức văn bản ban hành theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và các hoạt động thi hành pháp luật khác cần được đối chiếu, áp dụng theo các quy định, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc trong quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các các sai phạm, các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của cấp có thẩm quyền về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

;
.