Những lời hát, điệu múa của Đoàn Văn công Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ; cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong kháng chiến.
Đoàn Văn công Bà Rịa Long Khánh biểu diễn nhân ngày họp mặt truyền thống Ban Tuyên huấn Bà Rịa Long Khánh-Biên Hòa lần thứ 18 năm 2023. |
Cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng
Tháng 8/1961 tại căn cứ Hắc Dịch, Đoàn Văn công tỉnh Bà Rịa được thành lập dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Ban đã phân công những người có kiến thức về văn nghệ và từng bước bổ sung thêm diễn viên, lựa chọn tại các cơ quan và con em cán bộ kháng chiến ở các địa phương có năng khiếu văn nghệ, rút về để thành lập Đoàn Văn công.
Đoàn đã xây dựng một trại dài cho anh em có nơi ăn ở, hoạt động nằm trong khu đồng bào dân tộc Châu Ro (xã Hắc Dịch), sau đó chuyển ra đóng ở bìa rừng Hắc Dịch. Nhạc cụ của đoàn ban đầu chỉ có 1 cây đàn guitar, 2 cây đàn măng-đô-lin, 1 tông-bu-rai, 1 pa-ra-coet. Về sau có thêm 1 cây đàn ac-cor-dion.
Các thành viên của đoàn chưa có kinh qua trường lớp nào. Hằng ngày, ông Minh Trung (Phó Trưởng Đoàn Văn công) theo dõi đài phát thanh giải phóng để chép nhạc và bài hát, rồi dạy lại các thành viên khác. Những ca khúc như: “Nam bộ kháng chiến”, “Sông Lô”, “Đảng cho ta mùa xuân”, “Đất nước anh là mùa xuân cộng sản”, “Đánh giặc giữ làng”,... được mọi người truyền miệng và học thuộc.
Mỗi khi nhớ đồng đội cũ, bà Tám Hạnh lại bồi hồi mở cuốn album xem lại những hình ảnh của mình và các đồng đội. |
Thời đó, lương thực thiếu thốn, nên ngoài tập luyện, anh em trong đoàn phát rẫy trồng lúa, bắp, mì, khoai lang. Trong lúc lao động, anh chị em tranh thủ nhẩm lại lời hát, tập kịch trong thời gian nghỉ trưa.
Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh (Tám Hạnh), nguyên Phó Đoàn văn công Bà Rịa-Long Khánh nhớ lại: “Năm 1962, nhờ có giọng hát nên tôi được các chú, các anh đưa về Đoàn Văn công tỉnh. Khi ấy tôi mới 16 tuổi. Ngày đi thoát ly làm cách mạng cũng là lần đầu tôi rời xa mái ấm gia đình, tôi khóc rất nhiều, nhưng vì nhiệm vụ, nỗi buồn dần nguôi ngoai”.
Đoàn Văn công bắt đầu biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào xã Hắc Dịch. Bộ đội, người dân đón đoàn như người thân trong gia đình. Sân khấu dã chiến, những người chưa đến lượt diễn thì vấn đèn chai đốt sáng để soi cho ca sĩ, diễn viên khác diễn. Đồng bào, bộ đội đến xem đông lắm, luôn vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Để kịp thời cổ vũ phong trào đấ tranh cách mạng, ngày 10/2/1962 Đoàn Văn công được lệnh hành quân lưu diễn phục vụ đồng bào vùng giải phóng các xã: Long Phước, Long Tân, Long Mỹ, trong đó có đêm diễn đặc biệt phục vụ liên hoan Xuân Nhâm Dần (1962) của huyện Long Đất tổ chức tại Lộc An. Đợt lưu diễn phục vụ đầu tiên của đoàn trên một địa bàn rộng đã có ảnh hưởng rất lớn đến quân và dân trong tỉnh, đánh dấu sự chuyển biến của phong trào cách mạng, để lại trong lòng mọi người niềm phấn khởi hào hứng, tăng thêm khí thế cho cách mạng.
Đoàn Văn công Bà Rịa-Long Khánh biểu diễn tiết mục “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” vào năm 1971. Ảnh: TƯ LIỆU |
Biểu diễn ngay trên trận địa
Trong những năm kháng chiến, bên cạnh những chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ ở vùng giải phóng, Đoàn Văn công còn đi theo bộ đội phá ấp chiến lược để biểu diễn cho bà con. Biểu diễn trên các mặt trận trong tỉnh Bà Rịa-Long Khánh.
Khi bộ đội chiếm lĩnh được ấp chiến lược, Đoàn văn Công nhanh chóng treo phông màn, gắn loa phóng thanh, phát loa mời đồng bào đến xem trình diễn văn nghệ. “Bọn địch nghe tiếng loa, biết nơi chúng tôi diễn, nã pháo vào, nhưng cứ ngớt tiếng pháo, chúng tôi lại tiếp tục diễn. Những bài hát ca ngợi đất nước, ca ngợi Bác Hồ và thể hiện tinh thần bất khuất, đồng lòng của bộ đội, nhân dân khiến đồng bào phấn khởi, vỗ tay rần rần cổ vũ”, bà Hạnh chia sẻ.
Bà Tám Hạnh còn nhớ rất nhiều đêm diễn trong ấp chiến lược, các trận địa. Trong đó, có một kỷ niệm bà nhớ mãi. Đó là vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, trong lúc các anh bộ đội Tiểu đoàn 445 đang đánh trận Đất Đỏ, Đoàn Văn công khiêng cả máy phát điện, cùng bộ đội huyện đột nhập Nhà hát xã Phước Hải.
Hồi đó, Đoàn Văn công và bộ đội Tiểu đoàn 445 luôn sát cánh bên nhau trên khắp chiến trường trong tỉnh. Chúng tôi thường xuyên biểu diễn động viên các anh trước khi ra trận và sau khi thắng trận trở về; hoặc phục vụ thương binh đang được điều trị tại các dân y, quân y. Mỗi lần biểu diễn cho các anh bộ đội, chị em trong Đoàn Văn công lại giúp các anh bộ đội vá quần, áo, may võng, may mùng. Còn các anh bộ đội chuẩn bị lương khô hoặc thịt rừng để liên hoan chiêu đãi đoàn. Các anh thường nói với chúng tôi: Bộ đội và văn công như môi với răng vậy, môi hở thì răng lạnh.
Bà Tám Hạnh, nguyên Phó Đoàn văn công Bà Rịa-Long Khánh
|
Bộ đội ta bao vây đồn Con Ó, cách rạp hát khoảng 100m, rồi mời đồng bào đến xem văn nghệ. Bà con đến xem đông lắm. Bọn lính mang súng ngắn, lựu đạn trà trộn vào rạp hát để phá rối. Trưởng Đoàn lúc đó là anh Đỗ Quốc Hùng (Hai Hùng) phát biểu khai mạc và nói: “Tôi biết các anh lính cộng hòa cũng có mặt tại rạp hát này. Nếu các anh chấp hành nghiêm túc để xem văn nghệ, chúng tôi sẽ để các anh xem. Nếu có hành động phá rối thì mặt trận giải phóng thẳng tay trừng trị...”.
Bà Tám Hạnh đã chọn ca khúc binh vận “Mùa Xuân đang đón những đàn chim”, trong đó có đoạn: “Anh lính cộng hòa ơi! Đã thấy khắp nơi/Quê hương ta gió nổi lên rồi/Cờ sao tung bay khắp rợp trời/Kìa mùa xuân đang đến nơi nơi/Dồn quân Mỹ xuống biển khơi/Mùa xuân đang đón/Những đàn chim tìm về tổ ấm...”. Ca khúc được yêu cầu hát đi hát lại nhiều lần.
Diễn xong, đồng bào chuẩn bị bánh hỏi, chả cá, bún... cho Đoàn mang theo. Một tốp thanh niên mang túi quần áo đứng hai bên đường cũng xin đi theo Đoàn làm cách mạng. Anh Công, cán bộ Binh vận của huyện bảo: “Bọn tôi tuyên truyền, vận động cả năm, không bằng Đoàn văn công biểu diễn một đêm...”.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH