Gỡ rào cản trong phát triển nhà ở

Thứ Hai, 05/06/2023, 20:18 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 5/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

Cần thống nhất với quy hoạch tích hợp cấp tỉnh

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cơ bản thống nhất dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với 13 chương, 196 điều. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đối chiếu dự thảo luật chặt chẽ, bảo đảm tính đồng bộ với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020 và nhất là đối với các dự thảo Luật được Quốc hội đang cho ý kiến và xem xét thông qua gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đại biểu nhận thấy phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật mới quy định đối với đối tượng là “nhà ở” mà chưa đề cập đến dự án hỗn hợp. Trong khi đó, nhà chung cư hỗn hợp gồm có: Nhà ở, căn hộ thương mại, nhà phố thương mại. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung điều chỉnh thêm đối với “dự án hỗn hợp”. Về quy định dự án hỗn hợp, việc quản lý sử dụng thực hiện theo luật này. Trường hợp các dự án độc lập (như căn hộ du lịch, cửa hàng, văn phòng) thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và pháp luật khác liên quan.

Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh từ Điều 25 đến Điều 31, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét thống nhất với quy hoạch tích hợp cấp tỉnh về chương trình phát triển nhà ở và kế hoạch sử dụng đất để tránh xung đột, mâu thuẫn nhau. Đối với chính sách phát triển nhà ở xã hội, cần bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí 20% quỹ đất vào khoản 3 Điều 80 dự thảo luật.

Về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân (Điều 94), Điều luật này hiện chưa giao trách nhiệm cụ thể và nhất quán cho cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN, khu kinh tế tham mưu trình UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư nhà lưu trú cho công nhân trong KCN trên địa bàn do UBND thực hiện đầu tư xây dựng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi khoản 3 Điều 94 thành: “3. Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 89 của Luật này thì Ban quản lý KCN, khu chế xuất, khu kinh tế cấp tỉnh chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư công và pháp luật xây dựng”.

Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về xác định giá mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ gồm: những khoản chi phí nào; cơ quan có thẩm quyền trình người quyết định đầu tư phê duyệt giá mua nhà ở thương mại để làm cơ sở thực hiện tại điểm d, khoản 3, Điều 45.

Đối với việc xác định giá thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ, người thuê nhà ở công vụ trả tiền thuê nhà ở thấp hơn giá thuê nhà ở thương mại tại khoản 4 Điều 48 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định xác định giá gồm: các khoản chi phí nào, phương pháp tính, cơ quan có thẩm quyền trình, cơ quan có quyền quyết định giá thuê.

Về các quy định đối với nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về thu nhập thấp tại Điều 73 và điểm b, khoản 1, Điều 75 về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng như sự gắn kết thống nhất giữa hai điều khoản này. Đồng thời, góp ý đối với khoản 3 Điều 92 liên quan đến thẩm quyền của Ban quản lý các KCN tại dự thảo luật…

Thống nhất về giấy phép, đăng ký tài nguyên nước

Thảo luận tổ về đăng ký, cấp giấy phép tài nguyên nước được quy định tại Điều 44 và các Điều 76, 77 -  thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ và UBND cấp tỉnh của dự thảo Luật Tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận thấy có rất nhiều loại giấy phép và tên gọi khác nhau như: (1) Giấy phép tài nguyên nước; (2) Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; (3) Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; (4) Giấy phép thăm dò nước dưới đất; (5) Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; (6) Giấy phép chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ…

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại sự trùng lặp hoặc thống nhất giữa các giấy phép, đăng ký (tên gọi, nội dung,…) mặt khác phải quy định cụ thể, rõ ràng cho từng loại giấy phép gồm: Đối tượng phải có giấy phép; Nội dung giấy phép; Thẩm quyền cấp giấy phép; Hồ sơ trình tự, thủ tục cấp giấy phép; Cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền, thu hồi; Phí, lệ phí cấp; Quyền, trách nhiệm người được cấp và trách nhiệm cơ quan cấp… kể cả trình tự thủ tục đăng ký cấp phép. Luật cần có sự công khai, minh bạch nếu không cụ thể rất dễ dẫn đến tiêu cực.

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc tham gia góp ý các nội dung quy định về xử lý nợ xấu, về tổ chức tài chính vi mô do các tổ chức chính trị xã hội tại khoản 6, Điều 6 (như Quỹ CEP của tổ chức công đoàn), quỹ tín dụng nhân dân và nhiều nội dung quan trọng khác của dự thảo Luật.

Đại biểu cũng đề nghị cần luật hóa xử lý các hành vi vi phạm đối với các nhân viên tổ chức tín dụng có vi phạm, đại biểu dẫn chứng về tình trạng ép người dân mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng trong thời gian qua. Từ đó, đại biểu đề nghị cần có quy định về xử phạt đối với hành vi này và các hành vi vi phạm đối với nhân viên ngân hàng trong dự thảo luật.

NGỌC NGUYỄN - CHÂU VŨ

(Từ Hà Nội)

;
.