Cần chế tài cụ thể xử lý vi phạm về lấn chiếm đất quốc phòng

Thứ Sáu, 23/06/2023, 18:37 [GMT+7]
In bài này
.

Trong ngày làm việc 23/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 2 dự án luật: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu thảo luận tại kỳ họp.  Ảnh: DOÃN TẤN
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: DOÃN TẤN

Thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự,  đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cơ bản thống nhất với bố cục, kỹ thuật lập pháp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo luật chỉ có 34 điều, nhưng có đến 1/3 các điều khoản (9 điều) giao cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết là khá nhiều so với bố cục điều khoản của luật.

Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, luật hóa các vấn đề cần quy định chi tiết bằng quy phạm pháp luật trong dự thảo luật, để thực hiện thống nhất, nâng cao tính khả thi trong thực tiễn khi luật được thông qua và có hiệu lực, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực phải mất thời gian chờ hướng dẫn áp dụng luật.

Đại biểu Dương Tấn Quân bày tỏ sự nhất trí cao với chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được quy định tại Khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật: "Nhà nước có chính sách đầu tư cho quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bảo đảm khả năng phòng thủ của đất nước, ưu tiên trên các địa bàn chiến lược trọng yếu". Tuy nhiên, để triển khai thực hiện hiệu quả, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc luật hóa bằng quy định hoặc cơ chế riêng cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho các dự án đầu tư xây dựng công trình chiến đấu.

Nguyên nhân được đại biểu đưa ra là, việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các loại rất khác, đặc biệt là đất rừng sang đất quốc phòng để xây dựng các công trình quân sự gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư. Đại biểu đánh giá đây là vấn đề còn khá bất cập trong thực tiễn.

Nêu thực tiễn về tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Dương Tấn Quân cho biết, tại các địa phương trên toàn quốc, tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp.

Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra, điển hình như các vụ việc xảy ra tại một số tỉnh (ở các trường bắn) như: Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Hành vi xâm phạm, phá hủy công trình quốc phòng và khu quân sự như đập phá công trình lô cốt cũ, mốc khống chế pháo binh, mốc đất quốc phòng... để lấy sắt thép vẫn diễn ra ở một số địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, hiện nay còn hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn bộ dự thảo luật, đại biểu Dương Tấn Quân nhận thấy chưa có quy định chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm này.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm, đồng thời cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao sử dụng đất, công trình quốc phòng và khu quân sự.

Trong ngày 23/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

CHÂU VŨ - AN NHIÊN 

 
;
.