Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến Khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự

Thứ Tư, 24/05/2023, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 2/2023, sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, về khái niệm “Sự cố”, “Thảm họa”, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã cho bỏ cụm từ “có nguy cơ dẫn đến thảm họa” ở khái niệm “Sự cố”; đồng thời, chỉnh lý lại khái niệm “Sự cố” và khái niệm “Thảm họa” rõ ràng, cụ thể, thống nhất với khái niệm “Phòng thủ dân sự”. Các khái niệm được giải thích phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ chính trị, tương thích với khái niệm “thảm họa” trong Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) mà Việt Nam là thành viên. 

Về nguyên tắc hoạt động Phòng thủ dân sự (Điều 3); áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và các luật liên quan (Điều 4) và chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự (Điều 5), UBTVQH đã chỉnh lý lại các nguyên tắc hoạt động Phòng thủ dân sự; bổ sung nguyên tắc “Hoạt động Phòng thủ dân sự phải đảm bảo tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới”; nguyên tắc “kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ Phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp Phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân” cho phù hợp với Nghị quyết số 22 và thực tiễn hoạt động Phòng thủ dân sự.

Về công trình phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về công trình Phòng thủ dân sự phù hợp với tính chất của hoạt động Phòng thủ dân sự. 

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã sửa lại tên điều là “Công trình Phòng thủ dân sự” và chỉnh lý lại nội dung của Điều này theo hướng quy định “Công trình Phòng thủ dân sự là công trình được sử dụng cho mục đích phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, chiến tranh”. Công trình Phòng thủ dân sự gồm 2 loại: Công trình PTDS chuyên dụng và công trình khác có công năng đáp ứng yêu cầu Phòng thủ dân sự. Nội dung này Luật sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, do còn ý kiến khác nhau nên UBTVQH đã xây dựng 2 phương án xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội và các vị ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, cụ thể:

- Phương án 1: Giữ quy định về Quỹ PTDS như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật.

- Phương án 2: Quy định: “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng đã giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố (Điều 18) và thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 20); các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 (Điều 23, 24, 25); Về biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp (Điều 26) cũng như Về chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự.

Về nguồn lực cho phòng thủ dân sự, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, tiếp thu ý kiến ĐBQH về đề nghị chỉ quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến phòng thủ dân sự, để thống nhất với pháp luật có liên quan, UBTVQH đã cho đổi tên Chương VI thành “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự”; quy định rõ hơn trách nhiệm của 08 Bộ có nhiệm vụ nhiều nhất và liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng thủ dân sự. Đồng thời, rà soát, chỉnh lý các điều trong Chương này cụ thể, rõ ràng, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, với 127 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 5 văn bản tham gia ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã 3 lần cho ý kiến về dự thảo luật này.

Dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 gồm 7 Chương, 57 Điều, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, bổ sung 4 Điều, bỏ 15 Điều và chỉnh sửa nội dung kỹ thuật lập pháp 46 điều; sắp xếp, bố cục lại một số chương, điều trong dự thảo luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận những nội dung trong Báo cáo của UBTVQH. Các vị đại biểu Quốc hội khi phát biểu thể hiện rõ quan điểm, đi thẳng về vấn đề, có phương án đề xuất cụ thể, các ý kiến tranh luận nêu rõ nội dung tranh luận, tránh trùng lắp nội dung và bảo đảm thời gian.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Phòng thủ dân sự và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra.

Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận
Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận

Góp ý đối với quy định thông tin sự cố thảm họa tại khoản 3 Điều 6 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, sửa đổi thành sử dụng chung từ hai đến ba thuê bao hoặc một tổng đài để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Chính phủ.

Theo đại biểu, địa bàn rộng, nếu sử dụng chung một số điện thoại để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc chưa bảo đảm tiếp nhận thông tin khi có sự cố trên phạm vi cả nước.

Đối với việc tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự, khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật quy định công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng thủ dân sự. Để nâng cao nhận thức về phòng thủ dân sự của công dân Việt Nam, đại biểu nhận thấy, không chỉ trong mà còn cả nước ngoài. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ “Việt Nam đang sinh sống trong nước và nước ngoài”.

Về công trình phòng thủ dân sự, đại biểu cho biết, thực trạng tại địa phương hiện nay đang rất khó khăn trong việc làm thủ tục đất để xây dựng công trình phòng thủ, nhất là thủ tục chuyển đổi mục đích đất rừng sang đất quốc phòng, đặc biệt là các công trình phòng thủ đảo, ven biển. Mặt khác, thực tiễn cũng phát sinh tình trạng thủ tục bàn giao các điểm đất quốc phòng khi trả về cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội có điểm đất hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện xong thủ tục bàn giao, từ đó gây lãng phí.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung nội dung “Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên khi tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình phòng thủ. Một số vị trí, địa điểm Chính phủ cần cho phép xây dựng công trình phòng thủ khi hoàn thành được lắp lại giao cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội” để không chuyển mục đích sử dụng đất sang đất quốc phòng.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

;
.