Ngày 8/5, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với một số dự án luật (sửa đổi) sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Hợp tác xã (HTX).
Đại biểu đóng góp ý kiến cho các dự án luật (sửa đổi). |
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, nhiều ý kiến thống nhất việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản, nhằm minh bạch về thông tin, giúp nhà nước quản lý thị trường bất động sản. Đồng thời, đề nghị nên sửa đổi, bắt buộc công chứng đối với các giao dịch bất động sản để tạo hành lang pháp lý, bảo đảm an toàn cho người giao dịch.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh, bổ sung một số từ ngữ, làm rõ một vài nội dung, điều khoản cho phù hợp với thực tiễn. Có yêu cầu cụ thể đối với dự án bất động sản dùng để kinh doanh. Điều kiện đối với đất đã có hạ tầng kỹ thuật, chuyển nhượng QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng ở…
Đóng góp về dự án Luật Nhà ở, nhiều ý kiến quan tâm tới Điều 45 liên quan đến mua, thuê nhà ở thương mại làm nhà công vụ; Điều 48 nguyên tắc xác định giá nhà thuê ở công vụ; Điều 56 yêu cầu về phát triển nhà ở của các thành viên hộ gia đình, cá nhân; Điều 66 về cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đối tượng, tiêu chuẩn, định mức về tái định cư nhà ở cần rõ ràng, cụ thể.
Về dự án Luật HTX, một số ý kiến cho rằng, cần nới lỏng điều kiện thành lập các tổ chức kinh tế hợp tác, bổ sung nội dung về kiểm toán, hoàn thiện hơn nội dung quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế, hợp tác. Các ý kiến nhất trí cao phương án 1, tức là không quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX mà chỉ đặt vấn đề trả lại phần góp vốn khi chấm dứt tư cách là thành viên, ra khỏi HTX.
Đóng góp ý kiến về Luật Tổ chức tín dụng (TCTD sửa đổi), nhiều ý kiến nêu lên cần tập trung vào các quy định về tổ chức quản trị, điều hành của TCTD; quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD; việc luật hóa chính sách xử lý nợ xấu cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch; quy định cụ thể thủ tục cho vay tiêu dùng của công ty tài chính trên tin thần nhanh, gọn, quy định rõ ràng về lệ phí theo tỷ lệ phần trăm vốn cho vay; thông tin cụ thể tín dụng hợp pháp; quy định cụ thể việc kiểm tra, giám sát đối với các công ty tài chính; quy định khung pháp lý về hành vi giả danh, lừa đảo của các tổ chức “tín dụng đen”…
Đối với Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu cho rằng Luật Đấu thầu cần phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, nhất là Luật Đất Đai, Luật Xây dựng; đảm bảo tính thống nhất không chồng chéo đối với những nội dung quy định được đề cập trong các Luật. Đồng thời, khắc phục bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến thống nhất chọn phương án 2, các gói thầu thuộc dự án đầu tư của Luật DN và DN có vốn của DN nhà nước trên 50% vốn điều lệ. Các đại biểu còn đề nghị sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt…
Về Luật Giá (sửa đổi), các ý kiến đóng góp nhấn mạnh vấn đề giá nên để thị trường quyết định, Nhà nước giữ vai trò quản lý và giám sát việc tuân thủ luật pháp về giá. Đối với các mặt hàng nông sản thì không nên bắt buộc niêm yết giá bởi giá cả biến động theo thị trường, phụ thuộc tình hình giao thông, thời tiết. Sửa đổi một số cụm từ tại khoản 1, Điều 45 về điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá.
Chủ trì và phát biểu kết luận tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, thực tiễn của các đại biểu tham dự. Đồng thời, yêu cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp để trình Kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Tin, ảnh: TRÚC GIANG