Sáng 22/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng tân Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh (trái) và tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh (phải), nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: DOÃN TẤN |
Nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri, nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
“Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục thu được kết quả toàn diện và tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2022, dù trong bối cảnh khó khăn, thách thức rất lớn, tuy nhiên nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt.
Trên cơ sở tổng hợp, báo cáo của các bộ, cơ quan, kết quả đánh giá tình hình thực hiện 12 tháng đã tiếp tục khẳng định nhận định nêu trên, cơ bản thống nhất với nội dung Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, bao gồm 12 nhóm kết quả đạt được, 10 hạn chế, khó khăn, các nguyên nhân chủ quan, khách quan và 6 bài học kinh nghiệm.
So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn. Tuy nhiên, có 2 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số liệu đã báo cáo Quốc hội là 1 chỉ tiêu không đạt).
Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã cùng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Chính phủ cũng khẳng định, diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản (5,6%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm… khả năng sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước ngay trong quý II và cả năm, tạo áp lực lên điều hành chính sách tài khóa.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; trong đó chú trọng triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
NGỌC NGUYỄN
Chiều 22/5, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang với 454/467 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 91,9% tổng số đại biểu Quốc hội).
Ông Đặng Quốc Khánh sinh năm 1976; quê quán thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông có trình độ chuyên môn là Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đô thị và công trình, Kỹ sư xây dựng; là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII (dự khuyết), XIII; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Hơn 10 năm (từ năm 1999 đến 2008) gắn bó với Sở Xây dựng Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh từng giữ chức Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng rồi Phó Giám đốc và Giám đốc sở này.
Tiếp đó, ông đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Trước đó, trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Hà.
Ông Lê Quang Mạnh giữ chức vụ Ủy viên UBTV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Chiều 22/5, với 468/469 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội quyết nghị ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV TP.Cần Thơ giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV.
Ông Lê Quang Mạnh sinh năm 1974, quê Mỹ Đức, Hà Nội. Ông là Tiến sĩ Kinh tế, có trình độ lý luận chính trị cao cấp.
Ông Lê Quang Mạnh từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2003 đến 2018 và được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2018.
Từ tháng 6/2019-9/2020, ông là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ. Từ tháng 10/2020, ông giữ chức vụ Bí thư Thành ủy. Năm 2021, tại Đại hội XIII của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ.