Xây dựng môi trường đầu tư an toàn, minh bạch

Chủ Nhật, 23/04/2023, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

Việt Nam cam kết đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực thi hiệu quả các quy định, chính sách về đầu tư. Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, ngày 22/4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Đây là hội nghị các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham dự của 180 DN, hiệp hội đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và kết nối đến hơn 100 điểm cầu. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và chủ trì tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cải thiện môi trường đầu tư

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Việt Nam có môi trường đầu tư cởi mở và ổn định. Tuy nhiên, để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, an toàn, Việt Nam cần tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, thuế, phí...

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, các DN Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Khảo sát của JETRO cho thấy, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thị trường xuất khẩu chững lại, chi phí, tiền lương của công nhân ngày càng tăng; việc cấp các loại giấy phép trong nước, tốc độ xử lý thủ tục hành chính chậm. 66% DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ 47%, do đó Việt Nam cần tiếp tục cải cách hành chính, loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện để DN có mức giá phù hợp. 

Trong khi đó, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các DN của Hoa Kỳ sẵn sàng đóng góp lợi ích về tài chính cũng như kinh nghiệm quản trị DN cho Việt Nam. Ông Greg Testerman cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến sửa đổi quy định cản trở quá trình đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Kazama Toshio, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho biết, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 có tổng diện tích hơn 1.000ha. Với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đơn vị đã thu hút được 38 nhà đầu tư FDI trên thế giới, tổng số vốn khoảng 3,52 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động.

Tại hội nghị lần này, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 nắm bắt được nhu cầu của nhà đầu tư và có hướng điều chỉnh phù hợp, cũng như có những kiến nghị đối với chính quyền trong việc cải thiện môi  trường đầu tư tại địa phương trong thời gian tới. “Tôi kỳ vọng thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị tương tự để lắng nghe kiến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN”, ông Kazama Toshio chia sẻ.

Cả nước hiện có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư FDI ước đạt hơn 279,8 tỷ USD. Tính đến tháng 4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư FDI đạt gần 8,88 tỷ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư FDI ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022. Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu có 450 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 30 tỷ USD.
Tại hội nghị, đã có 3 tập đoàn trao đổi kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD, bao gồm; sản xuất công nghiệp nặng và logistics của nhà đầu tư Hàn Quốc, với số vốn dự kiến 1,6 tỷ USD; sản xuất xanh sử dụng năng lượng của nhà đầu tư Cộng hòa Liên bang Đức, với số vốn dự kiến 1,5 tỷ USD và sản xuất trang thiết bị y tế của nhà đầu tư Nhật Bản, với số vốn dự kiến 600 triệu USD.

Đồng hành với nhà đầu tư

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự chung tay, chia sẻ, đồng hành của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò là khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của DN, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị, bằng trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất. Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng DN, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Chính phủ đang nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội vào kỳ họp tới đây về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng tối ưu nhất, vừa thực hiện chính sách của OECD, hài hòa lợi ích các bên và đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất...

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.