Thăm lại nơi diễn ra trận quyết chiến giải phóng TP. Vũng Tàu

Chủ Nhật, 30/04/2023, 14:47 [GMT+7]
In bài này
.

13 giờ ngày 30/4, trận đánh cuối cùng tại khách sạn Palace (địa chỉ hiện nay là số 1, Nguyễn Trãi, phường 1, TP. Vũng Tàu), TP. Vũng Tàu được giải phóng trong niềm hân hoan của nhân dân… Sau 48 năm, nơi đây là khách sạn bề thế, sầm uất và còn lưu giữ lại bia ghi công 17 chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng và 2 người dân địa phương đã hy sinh anh dũng trong trận đánh lịch sử năm xưa.

Ông Phạm Quang Lập, đại diện Ban liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh cuối cùng giải phóng TP. Vũng Tàu.
Ông Phạm Quang Lập, đại diện Ban liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh thắp nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống trong trận đánh cuối cùng giải phóng TP. Vũng Tàu.

Sáng 30/4, đến thăm lại và thắp nén hương tưởng niệm tại bia ghi công các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại trận đánh khách sạn Palace, ông Phạm Quang Lập, đại diện Ban liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh nhớ lại: Ngày 2/5/1975, chúng tôi được lệnh tiến vào Vũng Tàu làm nhiệm vụ quân quản. Trên các ngả đường Vũng Tàu, người người đi lại đông đúc, rợp cờ, hoa, ảnh Bác Hồ trong niềm hân hoan đất nước đã hoàn toàn giải phóng.

Vì vậy, dù không trực tiếp tham gia trận đánh tại khách sạn Palace, nhưng thời khắc lịch sử quan trọng giải phóng Vũng Tàu, ông Phạm Quang Lập đều nắm rất rõ. Lúc đó, với khí thế tiến công, ngày 28/4/1975, các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng chia làm hai mũi tiến về Vũng Tàu. Đêm 29/4/1975, các lực lượng vũ trang tiến công vào trung tâm thành phố. Hòa với tiếng súng của lực lượng vũ trang, Ban khởi nghĩa các phường cùng cơ sở nội tuyến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự nội ô Vũng Tàu hướng dẫn, phát động nhân dân bảo vệ công sở, truy kích địch, giành chính quyền.

Sau khi quân ta vượt được sông Cửa Lấp đánh vào Vũng Tàu, phòng tuyến cầu Cỏ May cũng bị phá vỡ, địch rút về co cụm tại khách sạn. Đây cũng là cũng là trận đánh kéo dài, quyết liệt nhất ở trung tâm TP Vũng Tàu là trận đánh vào khách sạn Palace, nơi bọn sĩ quan ngụy tập trung cố thủ, chờ tàu biển vào đón để rút chạy.

Chúng nhốt thường dân ở tầng dưới làm lá chắn để cản sức tiến công của ta. Mờ sáng 30/4/1975, Tiểu đoàn 6 phát loa kêu gọi nhưng địch vẫn không chịu đầu hàng. Trực tiếp chỉ huy trận đánh, Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn Sao Vàng Nguyễn Hồng Sơn ra lệnh cho hỏa lực bắn liên tục 30 phút, chi viện cho bộ đội vượt tường vào tiếp cận, dùng lựu đạn phá cửa tầng dưới, đưa đồng bào ta ra ngoài, sau đó, luồn qua các đường hẻm đánh vào bên sườn khách sạn.

Cùng lúc đó, một cánh quân được nhân dân dẫn đường, đã chiếm lĩnh điểm cao từ phía núi Nhỏ. Đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 6 dùng khẩu DKZ75 ly bắn qua cửa sổ khách sạn rồi đồng loạt xung phong đánh chiếm từng tầng lầu.

Biết không thể cầm cự thêm nữa, địch đành phải kéo cờ trắng xin hàng. Hơn 400 tên xếp hàng dài từ thềm khách sạn ra đến cổng chính. Chiếm được khách sạn Palace, quân ta đã đập tan cụm quân đầu sỏ, ngoan cố nhất của ngụy quyền ở cứ điểm cuối cùng. Lúc này là 13 giờ 30 ngày 30/4/1975, Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

Khách sạn Palace, nơi đã diễn ra trận đánh cuối cùng vào ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn TP. Vũng Tàu.
Khách sạn Palace, nơi đã diễn ra trận đánh cuối cùng vào ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn TP. Vũng Tàu.

Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, Thành ủy Vũng Tàu đã lập bia ghi công các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây. Hằng năm, các thế hệ trẻ Vũng Tàu đều viếng vòng hoa, thắp nén hương tri ân công lao đóng góp của thế hệ cha anh với nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG 

;
.