KỶ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/04/1975 - 30/04/2023)

Truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ

Thứ Ba, 25/04/2023, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, 40 cựu tù chính trị Côn Đảo đã có chuyến trở lại thăm Côn Đảo, cùng nhau hồi tưởng lại những năm tháng bị giam cầm ở nơi “Địa ngục trần gian”. Và ý nghĩa hơn khi các cựu tù đã có dịp truyền lửa cho tuổi trẻ Côn Đảo trong chương trình giao lưu “Cựu tù chính trị Côn Đảo ngày trở về”.

Trung tướng Anh hùng LLVTND Châu Văn Mẫn chia sẻ với các bạn trẻ huyện Côn Đảo  về hồi ức hào hùng những năm tháng bị giam cầm trong nhà tù Côn Đảo.  Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Trung tướng Anh hùng LLVTND Châu Văn Mẫn chia sẻ với các bạn trẻ huyện Côn Đảo về hồi ức hào hùng những năm tháng bị giam cầm trong nhà tù Côn Đảo. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Ký ức không bao giờ quên…

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Châu Văn Mẫn, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị Côn Đảo cho biết, chương trình gặp gỡ các bạn trẻ Côn Đảo được tổ chức nhân chuyến trở lại thăm Côn Đảo của 40 cựu tù từng bị địch bắt và giam giữ tại đây.

Tướng Châu Văn Mẫn chia sẻ rằng, mỗi lần trở lại Côn Đảo, tình cảm của ông buồn vui lẫn lộn. Ông đã rời đảo về đất liền sinh sống, công tác đã bao nhiêu năm nhưng dù thời gian trôi đi, trong ký ức ông không thể quên được những tháng ngày cùng bè bạn “nằm gai nếm mật” ở mảnh đất này.

Giữa đất trời Côn Đảo, hòa trong nhiệt huyết của tuổi trẻ, thêm một lần nữa Trung tướng Châu Văn Mẫn hồi tưởng lại những năm tháng khi ông vừa tròn 20 tuổi, bị địch bắt và giam cầm ở trung tâm cải huấn Côn Sơn (Côn Đảo). Nơi đây đã trở thành “trường học lớn của người cộng sản” đối với ông cùng nhiều tù chính trị. Ông được phân công giao nhiệm vụ biên chép các tài liệu, kế hoạch đấu tranh, báo cáo sơ kết, tổng kết các cuộc đấu tranh chống địch, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy; tham gia biên tập các tờ tập san: “Rèn luyện”, “Vươn lên” của phòng, của trại và của Ban Thanh niên; sao chép các bản tin đọc chậm của Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam... phục vụ công tác tin tức, thời sự, giáo dục, tuyên truyền cho anh em tù chính trị. Đến ngày giải phóng, ông đã tình nguyện ở lại Côn Đảo phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong suốt 7 năm. Sau đó, ông được chuyển về công tác tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rồi giữ chức Giám đốc, là đại biểu HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại biểu Quốc hội khóa X (1995-2000). Từ cuối năm 2000, ông được điều động về Bộ Công an làm việc. Đến năm 2011, ông nghỉ hưu theo chế độ và sinh sống tại TP. Vũng Tàu. 

Trong tâm khảm, ông luôn giữ lời hứa với lòng sẽ trở lại mảnh đất Côn Đảo, nơi ông từng chứng kiến sự hy sinh của bao đồng đội, để được thắp lên mộ họ một nén nhang thơm, một cành hoa trắng… Nhiều đồng đội đã không có một ngày trở về và ông đang sống cho cả những người lính ấy…

Trong câu chuyện giữa hai thế hệ, các bạn trẻ còn được nghe lại câu chuyện vượt ngục ly kỳ từ người trong cuộc là cựu tù Trần Văn Nhiệm. Cựu tù Trần Văn Nhiệm đã bồi hồi xúc động kể về kỷ niệm không thể nào quên khi cùng hai tử tù Nguyễn Văn Bừng và Lê Văn Mừng cùng lứa tuổi hai mươi đã thành công trong cuộc vượt ngục Côn Đảo. 

Lúc bấy giờ, chàng sinh viên Trần Văn Nhiệm tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước tại Sài Gòn bị địch bắt kết án tử hình vắng mặt rồi đày ra Côn Đảo. Ra Côn Đảo, ông xác định “đằng nào cũng chết, phải tìm cách vượt ngục cho bằng được…”. Thấy tên thiếu úy Căn, Chi khu Bến Đầm có một chiếc xuồng khá chắc chắn nên ông cùng hai người bạn tù gom tiền tiết kiệm lại mua đồ nhậu và rượu ngon để chuốc say mấy tên lính gác. Sau khi đám lính say bí tỉ, anh em ném xương dụ chó becgiê ra xa rồi tranh thủ lẻn ra tàu. Trước khi đi, anh em đắp mền từ đầu đến chân, giả đò ngủ say khiến lính gác không để ý.

Khoảng 10 giờ đêm, khi tất cả bọn lính say mèm, 3 người chặt cây làm cột buồm, dùng chăn làm cánh buồm, rồi chèo xuồng bơi ra biển. Sau 2 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển, đói, khát, liên tục gặp tàu và máy bay địch tuần tra canh gác, cuối cùng các anh cũng dạt đến mũi Cà Mau và được người dân kết nối với cách mạng. Sau đó, những người tù Côn Đảo vượt “địa ngục trần gian” ấy được đưa về Trung ương Cục miền Nam rồi trở lại Sài Gòn vào tháng 5/1968. Từ đó, các ông tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng…

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Là 1 trong 200 bạn trẻ được lắng nghe những câu chuyện bi tráng của các cựu tù, chị Lê Thị Ánh Tuyết, đoàn viên thanh niên huyện Côn Đảo xúc động nói: “Bản thân tôi là một người thanh niên, sống và công tác tại Côn Đảo, được gặp gỡ các bác cựu tù-những nhân chứng sống lịch sử nên rất là cảm động, từ đó giúp tôi có thêm  động lực để cống hiến nhiều hơn nữa trên mảnh đất thiêng liêng này”.

Trung úy Trần Văn Quang, đoàn viên Đoàn cơ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Côn Đảo tâm sự: “Được nghe những câu chuyện kể của các cô, các bác đi trước, kể về những ngày tháng gian lao, cực khổ ở nhà tù Côn Đảo nhưng vẫn luôn nêu cao ý chí bất khuất, kiên trung với cách mạng, tôi thầm biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để cho chúng tôi được thừa hưởng thành quả và sống trong hòa bình độc lập”.

Chị Trần Thị Thủy Tiên, Phó Bí thư Huyện đoàn Côn Đảo bày tỏ: “Ý chí cách mạng trong những câu chuyện của các cô, chú cựu tù khiến chúng tôi rất đỗi tự hào đối với truyền thống lịch sử của Côn Đảo, qua đó giáo dục phần nào cho các bạn trẻ ý chí, sự vươn lên vượt qua nghịch cảnh như cha ông ta đã từng nêu gương”.

AN NHIÊN 

 
;
.