48 năm đã trôi qua, nhưng những mốc son của lịch sử dân tộc và tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm luôn được các thế hệ cha anh tái hiện, truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ.
Học sinh hào hứng tham gia trả lời câu hỏi về các địa danh lịch sử do cựu chiến binh đưa ra. |
Thêm yêu lịch sử quê hương
Tiết chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần tại Trường THCS Châu Đức (huyện Châu Đức) ngày 17/4 vừa qua trở nên sinh động, vui tươi hơn khi có sự xuất hiện của các cựu chiến binh (CCB) và những câu chuyện lịch sử. Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ban giám hiệu nhà trường phối hợp với Hội CCB TT.Ngãi Giao tổ chức buổi nói chuyện, giáo dục truyền thống cách mạng cho các em HS.
Mang trên mình bộ lễ phục trang nghiêm, bằng chất giọng hào sảng, Đại úy Phạm Xuân Ninh, nguyên chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 33 đã kể những câu chuyện hào hùng về một thời “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước. Đồng thời, ông khái quát toàn bộ Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại úy Phạm Xuân Ninh cho hay, trong điều kiện chiến đấu gian khổ nhưng thắm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, những người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam và bao lớp thế hệ cha ông đã giữ vững tinh thần lạc quan, anh dũng chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Buổi nói chuyện truyền thống trở nên sôi nổi hơn khi có nhiều câu hỏi tương tác của HS về Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, địa danh, nhân vật lịch sử… được các CCB giải đáp cặn kẽ. Qua những câu chuyện được kể từ chính nhân chứng lịch sử, HS hình dung được không khí sôi sục của những ngày chuẩn bị cho tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chăm chú lắng nghe từng câu chuyện kể, em Hoàng Gia Thiên Phước, HS lớp 8 Trường THCS Châu Đức bày tỏ: “Ở những chuyến tham quan về nguồn tại các địa chỉ đỏ, em tận mắt nhìn thấy những hiện vật lịch sử. Khi được nghe nhân chứng lịch sử là các chú CCB kể “câu chuyện thời chiến”, em như sống lại từng khoảng khắc lịch sử và hiểu sâu hơn về sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước. Tự hào về truyền thống anh hùng, em sẽ tiếp tục nỗ lực học tập tốt hơn nữa để góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”.
Trong các hoạt động được tổ chức Đoàn thực hiện, mô hình chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh Hùng, nấu “Bữa cơm cùng Mẹ”, chăm lo cho người có công với cách mạng và tu sửa nhà cho các gia đình chính sách... được Đoàn các địa phương chú trọng. Các hoạt động tuyên truyền, chuyển tải ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng thông qua những tiết mục sân khấu hóa tại hội thi cũng được ĐVTN phục dựng thành công và để lại nhiều dấu ấn đặc biệt.
Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn
|
Tự hào và tri ân
Thầy Lê Gia Nhạc, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Đức cho biết, hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho HS là việc làm thường xuyên, cụ thể. Trường tổ chức nhiều chuyến tham quan về nguồn nhằm giáo dục truyền thống cho HS tại Khu di tích lịch sử cách mạng Minh Đạm (huyện Đất Đỏ), địa đạo Long Phước (TP. Bà Rịa); dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Bên cạnh đó, huyện Châu Đức là địa phương có nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Trung đoàn E33, địa đạo Kim Long, Tượng đài Chiến thắng Bình Giã nên HS thường được giáo viên đưa đến thăm viếng, thắp nhang tưởng niệm, dọn vệ sinh.
“Truyền thống cách mạng không ở đâu xa. Nhà trường tập trung giáo dục, bồi đắp niềm tự hào dân tộc qua việc tái hiện những trận đánh, chiến thắng lịch sử tại nơi các em sinh sống như: Chiến thắng Tầm Bó, Chiến thắng Bình Giã… Đây là cách giáo dục thiết thực, hiệu quả nhất, để khi trưởng thành, dù đi đến đâu các em cũng tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng”, thầy Lê Gia Nhạc chia sẻ.
Để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Đoàn các cấp đã tổ chức các hoạt động như: nói chuyện truyền thống; phát động hội thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, cách mạng... giúp cho thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của những sự kiện, ngày lễ.
Cùng với đó là các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức cho thanh niên gặp gỡ nhân chứng, tìm hiểu di tích lịch sử. Hàng năm, vào những ngày lễ lớn của đất nước, ĐVTN lại tham gia chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, trồng hoa, cây cảnh tại đền thờ, thắp nến tri ân các anh hùng - liệt sĩ. Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất giúp thế hệ trẻ thêm tự hào và có dịp tri ân thế hệ cha anh đã hy sinh máu xương để đổi lại nền độc lập, hòa bình, tự do như hôm nay. Qua đó, nhắc nhở thế hệ trẻ phải tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: MAI NGỌC