Ngày 20/3, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Phiên họp đã được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì tại điểm cầu tỉnh BR-VT.
Tỷ lệ án hành chính hủy, sửa cao
Tại phiên họp, các ĐBQH đã tập trung chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình những nội dung như: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa còn cao; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ…
Đại biểu Mai Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) đặt câu hỏi: “Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, phải chăng còn một bộ phận thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong giải quyết vì bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính?
Trả lời câu hỏi trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận việc nể nang là có thật nhưng không nhiều và không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ huỷ sửa cao. “Thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, chuyên nghiệp xét xử vụ án nghiêm túc nhưng có việc nể nang. Tỷ lệ hủy sửa nhiều, có năm lên tới 4%, trong khi tỷ lệ Quốc hội cho phép là 1,5%. Bên cạnh đó, nhiều bản án hành chính không được thực thi, có bản án rồi nhưng UBND các cấp không thực thi nghiêm túc gây bức xúc cho người dân”, ông Nguyễn Hòa Bình giải thích.
Theo Chánh án TAND tối cao, án hành chính hủy sửa là do việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân là không đầy đủ. Riêng án hành chính và án dân sự, trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ thuộc các bên. Việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không đủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Các bên chuẩn bị tài liệu không đầy đủ có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Bên cạnh đó, do chủ tịch UBND cấp tỉnh rất nhiều việc nên khả năng tham gia phiên tòa cấp tỉnh còn hạn chế, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người dân. “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến án hành chính bị hủy sửa, chậm được khắc phục, chứ không phải do cả nể, dù cả nể là có", ông Bình nêu.
Đề cập đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng tuy tỷ lệ thu hồi đã tiến bộ nhưng vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội và người dân. "Chánh án sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng?", ông Hòa đặt vấn đề.
Đối với câu hỏi này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay việc thu hồi tài sản tham nhũng ở tất cả các nước "không bao giờ triệt để". Tại Việt Nam, thời gian qua các cơ quan tố tụng đã phối hợp tốt nên tỉ lệ thu hồi được 40% tổng số tài sản đã tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương.
Nâng cao chất lượng kiểm sát
Chiều 20/3, phiên họp tiếp tục với phần chất vấn Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Minh Trí về các vấn đề như: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện Kiểm sát. Thực hiện hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra VKSND tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm…
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH Nam Định) cho rằng thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị Viện trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo ông Lê Minh Trí, việc chống oan sai, bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, hai yêu cầu này có mâu thuẫn trong thực tế vì đấu tranh mạnh mẽ không để lọt tội phạm dễ dẫn đến oan sai. "Chống oan sai và chống lọt rất khó khăn, thách thức rất lớn đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ", ông Trí nói.
Về công tác chống tham nhũng, ông Trí cho rằng cần xử lý nghiêm người cầm đầu, chủ mưu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, đề nghị giảm phạt tù, tăng phạt tiền để xử lý nghiêm người đứng đầu nhưng nhân văn với người vi phạm không có mục đích vụ lợi.
Các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề như: Giám định án hình sự kinh tế, tham nhũng còn né tránh, đùn đẩy. Sửa đổi thông tư, nghị định, luật để ngăn chặn tham nhũng. Án dân sự tăng, nhưng số lượng kiểm sát viên chưa đáp ứng. Công tác tuyển dụng Kiểm sát viên...
Sau một ngày làm việc, phiên chất vấn lãnh đạo TAND tối cao và VKSND tối cao đã diễn ra khẩn trương, thẳng thắn, sôi nổi, nghiêm túc, trách nhiệm cao. Cụ thể, có 24 đại biểu chất vấn, 20 người đặt câu hỏi, 4 người tranh luận.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG-AN NHIÊN