KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3)

Thanh niên tự tin, sáng tạo lập nghiệp

Thứ Sáu, 24/03/2023, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng sức trẻ với đôi bàn tay siêng năng, khối óc sáng tạo, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐTVN) đã tự tin lập nghiệp, khẳng định bản thân, bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực từ tổ chức Đoàn.  

Anh Bùi Hữu Châu (tổ 3, thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, trái)  giới thiệu kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng.
Anh Bùi Hữu Châu (tổ 3, thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức, trái) giới thiệu kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng.

Sáng tạo để làm giàu

Thời gian này, 210 cây sầu riêng của chàng thanh niên Bùi Hữu Châu (35 tuổi, tổ 3, thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) đã trĩu quả non. Ở vườn, anh Châu đang cần mẫn tỉa những quả sầu riêng yếu, hư, giữ lại quả khỏe mạnh để bảo đảm năng suất. Xong việc, anh bật công tắc điện, hệ thống tưới nước tự động phun khắp vườn, giúp tăng độ ẩm cho cây sầu riêng phát triển tốt.

Anh Châu cho biết, sau 3,5 năm trồng sầu riêng, vụ thu hoạch đầu tiên vào năm ngoái, anh thu được 350 triệu đồng. “Vụ thứ 2 này khả thi hơn do tôi áp dụng nhuần nhuyễn nhiều kỹ thuật chăm sóc tiên tiến hơn. Dự tính, 3 tháng tới, vườn này sẽ thu về khoảng 1 tỷ đồng”, anh Châu nhẩm tính.

Để đón đầu vụ bán sầu riêng sắp tới, với sự định hướng của Xã Đoàn Kim Long và sự hỗ trợ của Huyện Đoàn Châu Đức, đầu tháng 3/2023, anh Châu thành lập Tổ hợp tác trồng sầu riêng Kim Long. Trong vai trò Tổ trưởng, anh Châu kết nối, tập hợp 15 thành viên, trong đó có 7 thanh niên. Bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên, anh còn kết nối với các thương lái để tìm đầu ra ổn định trong vụ thu hoạch tới.

Với thành công bước đầu, anh Châu được nhiều người biết đến và tin tưởng, thường ngày, anh bận rộn với việc đi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho các nhà vườn ở huyện Châu Đức và Đồng Nai; nhận chăm sóc vườn sầu riêng cho các hộ dân.

Anh Châu có được thành công hôm nay là sự trưởng thành từ vất vả và bản lĩnh tự tin, vươn lên lập thân, lập nghiệp. Dù tốt nghiệp Trường CĐ Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, nhưng anh Châu chọn về lập nghiệp ở quê nhà với việc trồng tiêu. Nhưng câu chuyện tiêu “được mùa mất giá, được giá lại mất mùa” khiến anh loay hoay, không phát triển được. Năm 2018, anh quyết định khởi nghiệp bằng cách phá tiêu, trồng sầu riêng. Ban đầu, để “lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng cỏ xen giữa vườn sầu riêng để nuôi 300 con dê. Sau hơn 1 năm, anh thu được 500 triệu đồng từ bán dê thịt. Với số tiền đó, anh Châu trang trải cuộc sống và đầu tư dàn tưới nước, dàn phun thuốc, dàn bón phân tự động cho vườn sầu riêng.

Còn anh Huỳnh Trọng Nguyễn, Bí thư Chi đoàn KP.Hương Sơn (phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) cũng là gương ĐVTN tiêu biểu trong lập nghiệp. Anh Nguyễn cho biết, trước đây, anh nuôi tôm theo kiểu đơn giản và tự nhiên nhất. “Cứ mua giống về thả xuống đùng, tôm tự sẽ lớn”. Với suy nghĩ đó và chưa biết cách áp dụng kỹ thuật chăn nuôi nên tôm chậm lớn, mỗi năm anh Nguyễn chỉ thu nhập được 200 triệu đồng.

Sau thời gian học hỏi thêm kiến thức mới, năm 2018, anh Nguyễn bắt đầu áp dụng công nghệ nuôi tôm quảng canh cải tiến. Anh cho tôm ăn cám gạo, đồng thời, áp dụng kỹ thuật tạo ra nhiều tảo để tôm có thêm thức ăn thiên nhiên phong phú. Nhờ vậy, từng đàn tôm sú của anh nhanh lớn, thịt chắc, ngọt, thơm, được các chủ vựa ở Bà Rịa và TX.Phú Mỹ ưa chuộng. Anh cũng áp dụng mô hình nuôi đa canh, thả thêm cua và cá rìa để tăng thêm thu nhập. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, anh Nguyễn thu nhập khoảng 600 triệu đồng.

Tỉnh Đoàn đặt mục tiêu từ nay đến năm 2027, có 100 dự án khởi nghiệp, trong đó có 10 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên được tổ chức Đoàn hỗ trợ; tổ chức Đoàn phối hợp hỗ trợ thanh niên được vay vốn tối thiểu 10 tỷ đồng để khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế.

 

Đồng hành cùng thanh niên

Làm giàu chính đáng trên quê hương là khát vọng của nhiều ĐVTN. Và đồng hành với thanh niên hiện thực hóa khát vọng đó là sự quan tâm, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên của tổ chức Đoàn các cấp.

Theo chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn, năm 2022, Tỉnh Đoàn đã vận động các nhà đầu tư hỗ trợ cho các đoàn viên vay vốn không lãi suất để phát triển kinh tế với tổng số tiền 750 triệu đồng; các nhà đầu tư trao 2 tỷ đồng cho ý tưởng khởi nghiệp đạt giải tại Chương trình Nhà đầu tư thiên thần; phối hợp với Ngân hành CS-XH duy trì 217 tổ tiết kiệm vay vốn cho ĐVTN với tổng dư nợ hơn 449,5 tỷ đồng. Qua rà soát, đã có 65 sản phẩm của thanh niên được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử. Các cơ sở Đoàn đã giới thiệu việc làm cho hơn 4.200 thanh niên.

Cùng với việc tìm kiếm hỗ trợ, hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên vào thực tiễn, các cấp Đoàn, Hội còn nhân rộng các mô hình liên kết phát triển kinh tế như: Tổ hợp tác thanh niên, HTX thanh niên, CLB thanh niên làm kinh tế... để giúp nhiều ĐVTN có cơ hội, điều kiện phát triển bản thân, vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: THI PHONG

 
;
.