.
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Thúc đẩy Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững

Cập nhật: 19:05, 05/02/2023 (GMT+7)

Sáng 5/2, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm của các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm của các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Đột phá từ kinh tế biển

Hội nghị đã nghe giới thiệu Nghị quyết số 168/NQ-CP, ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, với 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 17 chỉ tiêu cụ thể, 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các tổ chức, đối tác phát triển, các hiệp hội DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước thảo luận nêu bật các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; chương trình, hành động và giải pháp đột phá để liên kết vùng, tạo đột phá về kinh tế biển, thúc đẩy vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh và bền vững.

Các đại biểu cho rằng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, tỉnh thành nào cũng có biển, với hệ thống cảng biển nước sâu, hầu hết các tỉnh đều có sân bay, đặc biệt, là vùng đất địa linh, nhân kiệt với nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích, danh lam, thắng cảnh... Do đó phải lấy liên kết vùng, lấy đột phá từ kinh tế biển để phát triển nhanh và bền vững ở khu vực này.

Các đại biểu tại các địa phương đề xuất giải pháp phát triển các trung tâm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao; xây dựng sản phẩm đặc trưng, khác biệt của từng địa phương; tăng liên kết vùng và giữa vùng với khu vực, cả nước và quốc tế; hạn chế tình trạng phát triển dàn trải, cát cứ. Các chuyên gia, đại biểu quốc tế cũng đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thu hút và huy động nguồn lực từ bên ngoài vào đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng của vùng.

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế..., đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở vì tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Vùng: cơ chế chính sách còn hạn hẹp, vướng mắc; hạ tầng kết nối gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm chưa chặt chẽ, đầy đủ; nguồn nhân lực chưa được phát huy.

Trên cơ sở phân tích, theo Thủ tướng Chính phủ, cần thấm nhuần quan điểm trong chỉ đạo, điều hành là: phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; có tư duy, phương pháp luận; phát huy tính tự lực, tự cường; đổi mới sáng tạo, gắn với phát huy lịch sử văn hóa, ý chí của người miền Trung - vùng “túi mưa, chảo lửa”; huy động, tập trung nguồn lực phát triển có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, nhất là hợp tác công tư; lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực, mục tiêu của sự phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố phải quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thấm nhuần quan điểm “hợp tác và phát triển” trong thu hút đầu tư, bảo đảm “bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông thu hút đầu tư, phát triển; thúc đẩy các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch; thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, dựa trên chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Đối với các nhà đầu tư, DN, đối tác phát triển, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nói chung và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói riêng.

Các đối tác, nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam, trên tinh thần “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả đo đếm, nhìn thấy được; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

PHẠM TIẾP

.
.
.