.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công

Cập nhật: 19:05, 15/02/2023 (GMT+7)

Theo chương trình làm việc Phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy dịch vụ công là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện.

Do đó, việc cung cấp các dịch vụ công phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thực hiện, bảo đảm quyền và trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ cũng như bên được cung cấp dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công, người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Hai ý kiến khác nhau về khái niệm người tiêu dùng

Theo ông Lê Quang Huy, về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3) hiện có 2 loại ý kiến khác nhau, nhưng chủ yếu đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với loại ý kiến quy định khái niệm người tiêu dùng là có cả tổ chức.

Bởi, phương án này sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh, nhất là các trường hợp như trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng cho trẻ em, học sinh, công nhân...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó, nếu thay đổi quy định này cần đánh giá kĩ hơn về đặc thù, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.

Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và khá phổ biến đối với Việt Nam cần được cân nhắc thận trọng.

Cần làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả, khả thi nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế-xã hội của đất nước.

PHAN PHƯƠNG

.
.
.