.
THỦ TƯỚNG KIỂM TRA CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM

Đẩy nhanh tiến độ để khai thác không gian phát triển mới

Cập nhật: 18:19, 30/01/2023 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình kiểm tra, đôn đốc triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia trong những ngày đầu năm mới, sáng 30/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra các dự án giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên kỹ sư, công nhân thi công Dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên kỹ sư, công nhân thi công Dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm công trường xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 - cầu dây văng hiện đại bắc qua sông Tiền, thuộc tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 6,61 km, trong đó cầu chính dài hơn 1,9 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; khởi công tháng 3/2020, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ thăm, tặng quà, chúc mừng năm mới cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường; biểu dương tinh thần lao động xuyên Tết của các nhà thầu; biểu dương tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và nhà thầu đã thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng vào 1 năm trước để thúc đẩy dự án. Nhờ đó, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành; triển khai thi công đạt 70,73% giá trị các hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Phần đường và cầu dẫn đã cơ bản hoàn thành, phần cầu chính hiện đã thi công xong trụ tháp, đã căng cáp dây văng cho đốt dầm đầu tiên.

Theo Thủ tướng, cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế, thi công hoàn toàn do người Việt Nam; đề nghị nhà thầu thay đổi biện pháp kỹ thuật, phương pháp thi công, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp đẩy nhanh tiến độ công trình, đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn lao động và chăm lo đời sống công nhân.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cầu Mỹ Thuận 2 vừa là công trình giao thông, vừa là công trình kiến trúc; đề nghị các đơn vị thi công đảm bảo kỹ - mỹ thuật công trình và cảnh quan khu vực. Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chủ động xây dựng các nút giao, tổ chức các tuyến giao thông kết nối với cầu Mỹ Thuận 2, cũng như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để khai thác không gian phát triển mới.

 Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã thăm công trường thi công và Trung tâm điều hành thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang của Binh đoàn 12 (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) tại tỉnh Hậu Giang. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ làm việc trực tuyến với 7 điểm cầu ở trụ sở chính của Binh đoàn 12 và các điểm cầu tại các công trường mà đơn vị thi công và Binh đoàn đóng quân trên toàn quốc.

Sau khi nghe các điểm cầu báo cáo tình hình trực chiến đấu, lao động và vui Xuân - đón Tết của đơn vị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần lao động của Binh đoàn, xứng đáng với truyền thống Quân đội Việt Nam Anh hùng; xuất phát từ nhân dân và vì nhân dân phục vụ; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng; là đội quân chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất.

Người đứng đầu Chính phủ biểu dương Binh đoàn 12 đã tổ chức thi công xuyên Tết trên các công trình; thực hiện kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng về việc thành lập Sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo, điều hành thi công tuyến cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn các đơn vị của Binh đoàn phát huy tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, tiếp tục thi công các công trình đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ, đảm bảo kỹ - mỹ thuật, bảo vệ cảnh quan môi trường; không bị đội giá bất hợp lý; thắt chặt tình quân dân; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của chiến sĩ, người lao động...

Để việc phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả hơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp tổ chức tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cung cấp đủ vật liệu xây dựng phục vụ thi công cao tốc.

Bên cạnh phát triển cao tốc, nghiên cứu phát triển giao thông thủy nội địa; đào tạo nguồn nhân lực để đón đầu thời kỳ phát triển mới sau khi hạ tầng giao thông được đầu tư; phát triển dịch vụ logistics... để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

PHẠM TIẾP

.
.
.