KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ HAI, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thảo luận các vấn đề về quy hoạch

Chủ Nhật, 08/01/2023, 19:08 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, ngày 7/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/202 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự kỳ họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự kỳ họp.

Hạ tầng phải phát triển trước 

Thảo luận tại phiên họp sáng 7/1, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch tại báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tính định hướng về một số giải pháp là chủ yếu. Vấn đề đất đai, tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo, KH-CN và nguồn lực cần được nghiên cứu rõ, cụ thể để bảo đảm sự phát triển lâu dài của đất nước. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể hóa các vấn đề này khi được Quốc hội thông qua.

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét bổ sung đánh giá thực trạng phân bố không gian sản xuất công, nông, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ của quốc gia, bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương để trong thời kỳ quy hoạch có phương án điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt là phân bố các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, các vùng sản xuất tập trung cần bổ sung đánh giá việc thành lập các vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế hợp lý, phát huy được sức mạnh của các vùng, hành lang kinh tế trong quy hoạch.

Cùng với phân bố không gian sản xuất, quy hoạch, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng cần đánh giá sự phù hợp trong việc phát triển, phân bố đô thị, dân cư; đánh giá tình hình chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động giữa các vùng, những vấn đề xã hội phức tạp phải quan tâm giải quyết. Đồng thời, bổ sung đánh giá thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng, sự hợp lý của phân bố cơ sở hạ tầng giữa các vùng, địa phương trong các quy hoạch trước đây. Phân tích, làm rõ thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn vừa qua phù hợp với tình hình phát triển của vùng kinh tế, phân bố dân cư.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, Việt Nam sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc Nam gắn với cao tốc Bắc Nam và QL1A, hành lang kinh tế Đông Tây và hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia.

Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và từ 70-75 % năm 2050. Như vậy, quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, hệ thống đô thị sẽ hình thành mạng lưới liên kết hệ thống chặt chẽ, do đó hạ tầng phải phát triển trước một bước làm cơ sở cho phát triển đô thị.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm có định hướng về xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị.

Việc ban hành kịp thời Nghị quyết 30 cùng những quyết sách quan trọng triển khai Nghị quyết này đã được cử tri và nhân dân đánh giá cao, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập, đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc 
(Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) 

Sớm giải quyết việc chi trả cho lực lượng chống dịch 

Chiều cùng ngày, Quốc hội đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/202 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Theo đó, tại phiên họp, Quốc hội tiến hành đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay, trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, các địa phương đã huy động toàn lực để thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm vắc xin và các công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn. Tuy nhiên, đến nay, việc chi hỗ trợ chưa thực hiện được hoặc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chống dịch chưa đầy đủ.

Công tác phòng, chống dịch của nhiều tỉnh, thành phố đã có sự hỗ trợ của những đoàn công tác từ các địa phương, bệnh viện Trung ương tình nguyện đến vùng dịch để thực hiện phòng, chống dịch. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung các nội dung liên quan vào Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Ngoài ra, về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu cho rằng cần tuyên bố hết hiệu lực với các văn bản đã ban hành, ban hành văn bản khác để giải quyết vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua; cập nhật nội dung mới phát sinh cũng như những vấn đề đã được dự báo trước đối với diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất theo khu vực, chức năng, căn cứ pháp lý quy hoạch của các ngành, lĩnh vực liên quan về đất đai. Từ đó đưa ra chỉ tiêu sử dụng đất theo khu vực, chức năng; bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu du lịch.

Cần thêm nhiều giải pháp khắc phục vướng mắc

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ trong 3 năm qua ngành y tế đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có, kể cả trong và sau đại dịch. Trong bối cảnh đó với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 từ đó giúp cho ngành y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau dịch.

Qua tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội với 48 ý kiến tại tổ và 8 ý kiến tại hội trường cho thấy đại biểu Quốc hội đều thông cảm, chia sẻ với ngành y tế và mong muốn có thêm nhiều giải pháp khắc phục những vướng mắc.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc tiếp tục rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để bổ sung thêm thông tin, số liệu, phân tích những vướng mắc, bất cập hiện nay cũng như các vấn đề tồn đọng về các chế độ, chính sách.

Về nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành Thông tư, sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.

Liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc trong gia hạn thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề này sẽ giải quyết triệt để trong Luật Dược (sửa đổi). Bộ trưởng cũng làm rõ các vấn đề về hậu COVID-19; xử lý thuốc, vật tư dư…

CHÂU VŨ

 
;
.