Kỳ 3: Tuổi trẻ nơi đầu sóng ngọn gió
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Những chàng trai trẻ chỉ mới mười tám, đôi mươi mang theo khát khao cống hiến, chắc tay súng nơi biển, đảo thân yêu, tiếp nối truyền thống hào hùng của lớp lớp cha, anh, xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Xem video:
Mệnh lệnh từ trái tim
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trên quân cảng Lữ Đoàn 171, trước khi các chuyến tàu Trường Sa 10, Trường Sa 21 khởi hành đi chúc Tết, thay quân tại các nhà giàn DK1, đã có những cuộc chia tay, những cái ôm, cái siết tay thật chặt của người thân dành tạm biệt cán bộ, chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ. Trong số đó, có gia đình, người thân của những chiến sĩ trẻ lần đầu ra với biển, đảo.
Tiễn con trai lên đường làm nhiệm vụ, bà Cam Ngọc Anh, mẹ của chiến sĩ trẻ Lê Đình Ngọc Tân (SN 2001, ở phường 1, TP. Vũng Tàu) không giấu nổi xúc động xen lẫn tự hào khi tạm biệt con trai lên đường làm nhiệm vụ. Đây cũng là năm đầu tiên Tân ăn Tết xa gia đình.
Là con út trong nhà có 4 anh em trai, Tân vinh dự có ba và anh trai đã từng tham gia, phục vụ trong quân ngũ. “Được cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ của thanh niên. Với truyền thống của gia đình, mẹ mong con cố gắng làm tròn chức phận của người lính Bộ đội Cụ Hồ, vững tay súng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”-bà Cam Ngọc Anh dặn dò con trai.
Chưa từng hình dung nơi biển, đảo, nhà giàn mình sẽ gắn bó, chưa được nhìn thấy sự khắc nghiệt của thời tiết nơi trùng khơi nhưng trong suy nghĩ của Tân, được ra nơi này làm nhiệm vụ là niềm tự hào, khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua. Đây cũng là mệnh lệnh từ trái tim mà những chiến sĩ trẻ như Tân đang khát khao được đến, được cống hiến. “Em nghe mọi người nói thời tiết ngoài biển đảo xa xôi rất khắc nghiệt, nhưng em sẽ nỗ lực khắc phục, vượt qua mọi khó khăn quyết tâm thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”, Tân bộc bạch.
Trên các nhà giàn, những chiến sĩ trẻ được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt nơi biển đảo xa xôi, biết tăng gia, biết sắp xếp công việc, giữ gìn nề nếp người lính. |
Sau 2 ngày xuất phát và vượt qua hành trình hơn 200 hải lý, đến thăm nhà giàn DK 1/9, thuộc cụm Ba Kè, chúng tôi bắt gặp khuôn mặt hiền lành, nụ cười chân chất, lạc quan của Đại úy Trần Quốc Hoàng, Chỉ huy nhà giàn DK 1/9 (ngụ tại phường 11, TP. Vũng Tàu). 35 tuổi đời, 17 tuổi quân, từng cử chỉ, lời nói của người Chỉ huy trẻ nhà giàn DK 1/9-Trần Quốc Hoàng rất rắn dỏi, chững chạc.
Trò chuyện với chúng tôi anh Hoàng chia sẻ, trên vai cán bộ, chiến sĩ nhà giàn là trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Khi ra nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ có rất nhiều nhiệm vụ, trong đó quan trọng nhất là phải bảo vệ chủ quyền biển đảo. Song song đó, chúng tôi luôn nỗ lực giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển. “Với chúng tôi, đảo là nhà, biển cả là quê hương, vững tư tưởng “Còn người, còn nhà giàn”. Đây là ngôi nhà thứ hai của tôi cùng anh em chiến sĩ và nguyện một lòng cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân”, Hoàng nói.
Cùng chung lý tưởng, khát khao cống hiến, Võ Hồng Ân, SN 2003, chiến sĩ nhà giàn DK 1/9 (ngụ ở huyện Xuyên Mộc) thì chia sẻ: Đến nay, em đã có 10 tháng tuổi quân, hơn 2 tháng sinh hoạt, học tập rèn luyện trên nhà giàn.
Ở biển đảo xa xôi, Ân rất nhớ nhà, nhớ người thân nhưng phải tập làm quen, dần thích nghi, tạm gác việc riêng để tập trung hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao phó. “Ra nhà giàn, em được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt nơi biển đảo, biết trồng rau, nuôi heo, biết sắp xếp công việc, giữ gìn nề nếp người lính đảo... Anh em sống với nhau đoàn kết như một gia đình đã giúp em thêm gắn bó, bồi đắp tình yêu biển, đảo, yêu Tổ quốc” Ân chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK 1/9 đọc Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, dõi theo sự phát triển của tỉnh nhà. |
Hướng về quê hương
Nơi tiền tiêu của Tổ quốc, bên cạnh nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, các chiến sĩ trẻ còn luôn dõi theo và kỳ vọng vào sự phát triển của tỉnh nhà thông qua các phương tiện báo chí, truyền hình.
Chiến sĩ trẻ Nguyễn Đức Thuận ở nhà giàn DK 1/9 (21 tuổi, ngụ phường 12, TP. Vũng Tàu) bày tỏ: Qua theo dõi phương tiện thông tin, báo chí, em được biết, những năm qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã dành nhiều nguồn lực, chính sách phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn về dầu khí, cảng biển, logistics, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Gia đình em có ba làm nghề biển, mẹ là công nhân tại KCN Đông Xuyên, nên Thuận cũng rất kỳ vọng, tin tưởng với những quyết sách hợp lý, đúng đắn của lãnh đạo tỉnh sẽ đưa kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
“Ba đi biển đánh bắt hải sản, tạo kinh tế, thu nhập cho gia đình, em chắc tay súng nơi này bảo vệ, giữ gìn, biển, đảo thiêng liêng, bảo vệ ngư trường. Để từ đó góp sức nhỏ bé chung sức xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương”, Nguyễn Đức Thuận tâm sự.
Cùng chung quyết tâm ấy, Lê Đình Ngọc Tân thì bày tỏ kỳ vọng, tin tưởng vào sự phát triển của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Qua tìm hiểu, theo dõi thông tin Tân được biết về Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị xác định “Phát triển TP. Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”. “Khi được triển khai, Nghị quyết sẽ đưa kinh tế-xã hội TP. Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung phát triển vượt bậc. Cũng từ đó, kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Em rất kỳ vọng vào chính sách này của Đảng và Nhà nước”, Lê Đình Ngọc Tân bày tỏ.
Với những chiến sĩ trẻ của quê hương Bà Rịa-Vũng Tàu như Ân, Hoàng, Tân, Thuận… và lớp lớp thế hệ chiến sĩ các nhà giàn DK1, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng họ vẫn luôn lạc quan, can trường nơi đầu sóng ngọn gió; dõi theo, kỳ vọng từng sự đổi thay của quê hương, đất nước.
Giữa mênh mông biển trời sóng nước, trước muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt nhưng các nhà giàn DK1 cùng cán bộ, chiến sĩ vẫn vững chãi, hiên ngang như một biểu tượng của ý chí, bản lĩnh và quyết tâm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH