.

Thảo luận tổ Kỳ họp thứ Mười một HĐND tỉnh: Triển khai, giải ngân đúng tiến độ các dự án đầu tư công

Cập nhật: 20:34, 07/12/2022 (GMT+7)

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Mười một HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 7/12, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại các tổ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

Đại biểu Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội trường Thành ủy Vũng Tàu. Ảnh: HUYỀN TRANG
Đại biểu Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội trường Thành ủy Vũng Tàu. Ảnh: HUYỀN TRANG

Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 95,12%

Đại biểu Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tổng vốn đầu tư công được giao năm 2022 của tỉnh là hơn 14.686 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết ngày 31/1/2023 sẽ giải ngân hơn 13.970 tỷ đồng, đạt 95,12%. Số vốn không giải ngân hết của năm là hơn 716 tỷ đồng. Việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc như: vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; vướng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; vướng do chủ đầu tư không làm hồ sơ, thủ tục kịp thời…. Ngoài ra còn có các nguyên nhân chủ quan khác như người đứng đầu một số địa phương, cơ quan chưa quyết liệt, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn vướng mắc; năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế; giá nguyên vật liệu tăng cao…

Đồng tình với các nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh bày tỏ quan điểm: Cần quyết liệt hơn nữa, rõ ràng hơn nữa trong thủ tục đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ triển khai thực hiện… để bảo đảm các dự án được triển khai, giải ngân đúng tiến độ.

Cũng liên quan đến đầu tư công, đại biểu Lê Anh Tú, Phó Giám  đốc Sở TN-MT cho rằng, có sự lãng phí về đầu tư công như kéo dài thời gian thi công dự án, kinh phí đầu tư dự án bị đội lên... Nguyên nhân là do các đơn vị không nắm được thủ tục pháp lý về đầu tư công; chưa đánh giá rõ nhu cầu của xã hội, của nhân dân, dẫn đến một số công trình bỏ phí, bỏ hoang, hay hiệu quả sử dụng thấp. Một nguyên nhân nữa là các đơn vị chưa phối hợp đồng bộ trong việc thi công hạ tầng giao thông. Do đó, HĐND tỉnh phải tăng cường giám sát, để giảm bớt lãng phí trong đầu tư công.

PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỒNG BỘ VÀ CĂN CƠ
Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đến việc thúc đẩy công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số phải bắt đầu từ người đứng đầu.
Bên cạnh đó, đối với ngành du lịch, cần sự vào cuộc của Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, các địa phương trong việc đề xuất các ý tưởng phát triển du lịch; tăng cường quảng bá du lịch cho tỉnh để tăng lượng khách thời điểm ngày thường và mùa thấp điểm khách du lịch. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp trước mắt, lâu dài để phát triển du lịch của tỉnh một cách đồng bộ và căn cơ.

Tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân, người lao động

Đại biểu Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay có thực trạng, giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ. Nhiều tàu cá đánh bắt xa vay vốn theo Nghị định 67/CP để cải hoán, đóng mới tàu vỏ thép đang nằm bờ đồng loạt, có nguy cơ bán sắt vụn. Vì vây, đại biểu kiến nghị cần rà soát, có chính sách hỗ trợ ngư dân, chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 khôi phục lại sản xuất, tiếp tục vươn khơi, bám biển; tiếp tục thực hiện chủ trương hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, dịch vụ hầu cần thủy sản của tỉnh. Việc xử lý, hỗ trợ ngư dân, chủ tàu theo Nghị định 67/CP cũng cần bảo đảm tính nhất quá với chủ trương hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đại biểu Nguyễn Lợi đề nghị cần tổ chức lại ngư trường, mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản, hải sản trên địa bàn tỉnh; nâng cao tính chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản để gia tăng giá trị sản xuất ngành ngư nghiệp của tỉnh.

Quan tâm đến đời sống người lao động, đại biểu Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tình hình lao động mất việc, bị cắt giảm thời gian làm việc trong dịp cuối năm được người dân và các cấp rất quan tâm. Thời gian tới các cấp, ngành cần có giải pháp hỗ trợ để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Ngăn ngừa bạo lực học đường

Nêu thực trạng bạo lực học đường liên tiếp xảy ra thời gian gần đây, đặc biệt là vụ một nữ sinh ở TP. Vũng Tàu bị nhóm nam, nữ quây đánh bằng mũ bảo hiểm, đại biểu Phạm Thị Tuyết Trinh, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh cho rằng: Ngăn chặn bạo lực học đường cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Cần lấy giá trị đạo đức làm chuẩn mực, thước đo trong nuôi dạy con trẻ. Thương yêu gắn liền với sự quản lý nghiêm khắc. Cần cho HS tham gia nhiều các hoạt động tình nguyện nhằm tăng tính hướng thiện trong HS. Cùng với đó, tạo thêm các sân chơi bổ ích, rèn luyện về văn hóa, thể dục - thể thao, những hoạt động đem lại giá trị cho xã hội để HS, SV tham gia. Bên cạnh đó, nhà trường cần phối hợp với lực lượng Công an tổ chức nhiều buổi tọa đàm, truyền đạt các kiến thức về bạo lực học đường cũng như hậu quả; các chế xử phạt khi có hành vi vi phạm.

NHÓM PV THỜI SỰ

.
.
.