.
NGÀY LÀM VIỆC THỨ NHẤT, KỲ HỌP THỨ 11, HĐND TỈNH KHÓA VII, NHIỆM KỲ 2021-2026

Vững vàng trở thành cực tăng trưởng của cả nước

Cập nhật: 20:32, 09/12/2022 (GMT+7)

Ngày làm việc thứ nhất của Kỳ họp (9/12), HĐND tỉnh đã nghe và xem xét Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Báo cáo nhận định rõ, dù gặp vô vàn thách thức, khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh;  ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp.

GRDP trừ dầu khí tăng cao nhất trong 10 năm

Trình bày báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ước năm 2022 có 12/16 chỉ tiêu kinh tế, 18/19 chỉ tiêu xã hội và 3/3 chỉ tiêu môi trường thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Cụ thể, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) ước đạt 390.293 tỷ đồng; GRDP trừ dầu khí ước tăng 10,97% so cùng kỳ, cao hơn 3,97% so Nghị quyết, là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm gần đây. GRDP bình quân đầu người (trừ dầu khí) ước đạt 7.611 USD/người/năm, vượt kế hoạch đề ra (Nghị quyết 7.600 USD). Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 109.800 tỷ đồng, tăng 25,2%.

Công nghiệp tiếp tục là khu vực kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao và đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP, với tỷ trọng 52,21%, đóng góp 5,50 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP.

Trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh, có 19 sản phẩm có mức tăng trưởng trên 10%, trong đó có một số sản phẩm có quy mô lớn, đóng góp lớn vào tăng trưởng công nghiệp như: Khí tự nhiên dạng khí; ure; kính nổi và kính đã mài; xi măng Portland đen; điện... Trong năm 2022, đã có thêm 10 dự án sản xuất công nghiệp đưa vào hoạt động.

ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao mức sống người dân

Năm 2023 dự báo tình hình kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức có thể nhiều hơn; sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; cùng với đó là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường,…

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, khó lường. Trong nước, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng ở một số địa phương, xuất hiện các ca đậu mùa khỉ…

Những điều này sẽ tác động không nhỏ đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhất là việc triển khai thực hiện các Đề án, Dự án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị.

Chúng ta cần tiếp tục quan điểm: nêu cao tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, không chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Đóng góp của khu vực công nghiệp là yếu tố ổn định, bền vững, do quy mô của ngành công nghiệp tương đối lớn, các khu công nghiệp được hỗ trợ bởi lợi thế cảng nước sâu, hệ thống hạ tầng ngày một hoàn thiện nên tiếp tục hấp dẫn đầu tư, đồng thời chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc của tỉnh tạo sự phát triển bền vững.

Về thu hút đầu tư, ước cả năm 2022 thu hút được 58 dự án; tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước cấp mới và điều chỉnh tăng thêm năm 2022 (quy đổi) khoảng 2,07 tỷ USD, đạt 112,77% kế hoạch và tăng 0,43% so với năm 2021.

Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.135 dự án đầu tư, gồm 446 dự án đầu tư nước ngoài và 689 dự án đầu tư trong nước; với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 30,287 tỷ USD và 358.270 tỷ đồng.

Hoạt động du lịch nhanh chóng khôi phục và có sự tăng trưởng mạnh so với năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 127,94% so với năm 2021 (Nghị quyết tăng 34,06%); doanh thu lữ hành tăng 137,37% so với năm 2021 (Nghị quyết tăng 34,63%). Du lịch tăng mạnh chủ yếu do sức bật trở lại sau khi kiểm soát dịch bệnh, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, nhu cầu du lịch tăng cao. Công suất phòng của các cơ sở lưu trú luôn đạt hơn 95%. Ước cả năm 2022, lượng khách lưu trú khoảng 3,87 triệu lượt, tăng 182,86% so với năm 2021, trong đó khách quốc tế khoảng 155 ngàn lượt, tăng 124,08%.

Đã thực hiện chấm dứt hoạt động 197 dự án

Trong năm 2022, tỉnh đã chấm hoạt động 8 dự án chậm triển khai, nguyên nhân chủ yếu các nhà đầu tư không còn nguyện vọng đầu tư và chưa tập trung triển khai dự án. Tổng cộng từ thời điểm lập Phương án xử lý dự án chậm triển khai vào năm 2014, đến nay tỉnh đã chấm dứt hoạt động 197 dự án (bao gồm 64 dự án trong KCN, 63 dự án nhà ở, khu đô thị và 70 dự án khác ngoài KCN)

Trong ngày làm việc thứ nhất của kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh còn nghe, xem xét: Thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 11; Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8; Các tờ trình của UBND tỉnh về lĩnh vực tài chính, đầu tư công, đất đai, văn hóa - xã hội, pháp chế như: điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch đầu tư công năm 2023; dự toán thu, chi ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đồng thời xem xét các tờ trình của Thường trực HDND tỉnh.

Các đại biểu HĐND tỉnh cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh Khoá VII, nhiệm kỳ 2021-2026. Với 48/48 số phiếu đồng ý, ông Lê Xuân Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự được bầu làm Ủy viên UBND tỉnh phụ trách Quân sự. Ông Lê Xuân Bình (SN 1977), quê quán xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; trình độ chuyên môn: Cử nhân Quân sự, Cao cấp lý luận chính trị.

HĐND tỉnh đã bỏ phiếu miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh Khoá VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Tâm Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ông Nguyễn Tâm Hùng đã được cơ quan thẩm quyền cho nghỉ hưu theo chế độ.

 

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đang được khẩn trương thực hiện để bảo đảm đúng tiến độ yêu cầu như: Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, các dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của Côn Đảo,…

“Đây là những dự án rất cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài, tạo ra động lực mới, hình thành những không gian phát triển kinh tế mới để thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển bền vững, đồng thời phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của tỉnh, để Bà Rịa-Vũng Tàu tự tin, vững vàng trở thành một cực tăng trưởng của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị”, ông Phạm Viết Thanh khẳng định.

Sản xuất đế giày tại Công ty TNHH sản xuất giày Vĩnh Uy II. Ảnh: TRÀ NGÂN
Sản xuất đế giày tại Công ty TNHH sản xuất giày Vĩnh Uy II. Ảnh: TRÀ NGÂN

 

Đưa hàng vào kho tại Nhà máy đạm Phú Mỹ. Ảnh: PHAN HÀ
Đưa hàng vào kho tại Nhà máy đạm Phú Mỹ. Ảnh: PHAN HÀ

 

Sản xuất khung tivi tại Công ty TNHH Pavonine Vina. Ảnh: AN NHẬT
Sản xuất khung tivi tại Công ty TNHH Pavonine Vina. Ảnh: AN NHẬT

 

Khách du lịch thích thú với tour lặn ngắm san hô tại vùng biển Côn Đảo.  Ảnh: QUANG VŨ
Khách du lịch thích thú với tour lặn ngắm san hô tại vùng biển Côn Đảo. Ảnh: QUANG VŨ

Bảo đảm an sinh xã hội

Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được triển khai kịp thời, hiệu quả. Công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân được bảo đảm; chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được nâng cao, nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng dụng công nghệ, đổi với sáng tạo được quan tâm phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm.

Chương trình giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện với các giải pháp đồng bộ: Xét duyệt cho 2.808 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền 131,643 tỷ đồng. Thực hiện cấp 26.468 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 2.855 học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 6.589 hộ nghèo với số tiền 3,261 tỷ đồng; trợ cấp tết cho 34.141 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí trợ cấp 38,055 tỷ đồng; xây mới 14 căn nhà trị giá 1,352 tỷ đồng và sửa chữa 11 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo với số tiền 243 triệu đồng. Ước thực hiện đến cuối năm 2022 tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm còn 5.169 hộ, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số hộ dân (Nghị quyết giảm còn 2,03%). Tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia (Nghị quyết giảm còn 0,5%).

PHÚC LƯU - HUYỀN TRANG

 
.
.
.