Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri (TXCT) sau Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, ngày 18/11, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc với cử tri TP. Bà Rịa và các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Long Điền.
Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trao đổi với cử tri huyện Đất Đỏ. |
Cần bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu
Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đánh giá cao kết quả của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, cũng như phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Cử tri Phạm Văn Lâm (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) cho biết, qua theo dõi kỳ họp, ông nhận thấy Quốc hội quyết nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Cử tri trân trọng ghi nhận sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng luật, nhất là những đạo luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ và đời sống nhân dân như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…
“Đặc biệt, nhân dân kỳ vọng rất lớn vào Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết những vướng mắc hiện nay; mong các quyết sách được thông qua tại kỳ họp sớm được triển khai, thực hiện theo đúng kế hoạch, lộ trình và đạt hiệu quả cao”, cử tri Phạm Văn Lâm phát biểu.
Bày tỏ lo lắng trước nguồn cung ứng xăng dầu hiện nay, cử tri Nguyễn Thái Hạnh (KP. Phước Thới, TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cho hay, thị trường xăng dầu trong nước vẫn còn tình trạng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc bán với số lượng hạn chế gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Do vậy, Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, cụ thể để sớm khắc phục tình trạng trên.
Cùng tâm trạng trên, cử tri Nguyễn Minh Trí (KP. 4, phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa) cho rằng giá xăng dầu liên tục biến đổi trong khi nguồn cung thiếu hụt nên đề nghị giải quyết dứt điểm việc thiếu hụt xăng dầu, có chính sách ưu tiên bãi bỏ thuế với mặt hàng này để bình ổn giá, tránh “đội” giá gây khó khăn cho đời sống của người dân.
Kiến nghị về giáo dục, cử tri Huỳnh Thị Kim Hạnh (TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) nêu thực tế: Luật Giáo dục mới đòi hỏi giáo viên theo chuẩn rất cao, trong khi lương giáo viên rất thấp nên khó tuyển giáo viên dạy tại các trường. Nhiều giáo viên nghỉ việc, dẫn đến giáo viên phải tăng giờ dạy, chịu áp lực lớn. “Việc tuyển dụng giáo viên theo chuẩn mới cần có lộ trình; cần tăng lương và chế độ cho đội ngũ giáo viên yên tâm cuộc sống để theo nghề; không giảm 10% biên chế giáo viên do tỉ lệ học sinh đều tăng hằng năm”, cử tri Kim Hạnh đề nghị.
PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ PHẠM BÌNH MINH
Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5%
Tính đến cuối tháng 10/2022, cả nước đạt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội đưa ra. Đây là thành tích ấn tượng so với các năm trước, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của cả xã hội trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
|
Thực hiện tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn
Tiếp xúc và giải đáp một số nội dung kiến nghị cử tri, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thông tin, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong 10 tháng qua rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 đòi hỏi thời gian, tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, tác động đến chuỗi sản xuất của các nước và cung cấp nguyên vật liệu, nhất là xăng dầu.
“Nước ta đang đối mặt với khó khăn về cung ứng và giá cả xăng dầu. Đây là vấn đề cấp bách, “nóng” trong các buổi chất vấn của các ĐBQH. Trong vòng 11 tháng, nước ta đã có 29 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó 16 kỳ tăng giá, 1 kỳ giữ nguyên giá và 12 kỳ giảm giá”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thông tin.
Dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao 10 phần quà cho nhân viên y tế và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. Ảnh: BẢO KHÁNH |
Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho hay, việc cung ứng xăng dầu gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, hai nhà máy lọc dầu (Bỉm Sơn và Dung Quất) cung cấp 80% lượng xăng dầu trong nước, nhưng 50% nguyên liệu là phải nhập từ nước ngoài trong khi các nước cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn cung xăng dầu. Bên cạnh đó, khối lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2022 tăng 20%, chi phí nhập khẩu tăng 60% so với năm 2021, tạo áp lực tăng giá xăng trong nước.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và lâu dài”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý, Chính phủ giao chỉ tiêu tiếp tục tuyển dụng trên 65.000 biên chế giáo viên trên cả nước để bảo đảm nguyên tắc "ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên".
NHÓM PV THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ