Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Thứ Năm, 10/11/2022, 19:04 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, ngày 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

Năm 2023, phấn đấu GDP tăng 6,5%

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nêu rõ mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quan tâm đời sống người có công với cách mạng, người nghèo, người gặp khó khăn, thu nhập thấp…

Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.

Các chỉ tiêu tiếp theo là: Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Chính sách đất đai đóng vai trò quan trọng với HTX

Thảo luận dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, khu vực kinh tế tập thể phát triển chưa đa dạng về mô hình, quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế và công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Do đó, việc Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật HTX là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Góp ý về chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế HTX, đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với HTX. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc này nhằm hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn, bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với HTX chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả vào nội dung của Luật.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù

Phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, dự thảo luật trình Quốc hội xem xét lần này so với luật hiện hành đã sửa đổi 49 điều, bổ sung 29 điều và bổ sung 1 diều, 1 chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó, dự thảo luật cơ bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử như hiện nay, những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể... Đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.

Từ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị bổ sung quy định tại Chương 5 về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đầy đủ và bao quát hơn.

PHÚC LƯU - CHÂU VŨ

 

;
.