Sáng 1/11, phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định Rửa tiền là một vấn nạn toàn cầu, không chỉ đe dọa an ninh của quốc gia mà còn phá hủy sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính cũng như cản trở sự thịnh vượng của nền kinh tế.
Lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại phiên họp sáng 1/11. Ảnh: CHÂU VŨ. |
HỆ THỐNG HÓA CÁC QUY ĐỊNH HỢP TÁC QUỐC TẾ THÀNH 1 CHƯƠNG RIÊNG
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) với 4 Chương, 65 Điều (trong đó bổ sung mới 19 Điều, sửa đổi 44 Điều và hủy bỏ 07 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành) được Ban thẩm tra, cơ quan soạn thảo chuẩn bị khá công phu, đã chỉnh lý, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý trước đó. Dự án Luật hướng tới việc đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa các điều ước quốc tế, cũng như thực hiện đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên qua nghiên cứu cho thấy vẫn còn một số quy định cần được Ban thẩm tra, cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét một số nội dung cụ thể.
Đối với nhưng vấn đề chung, tại dự thảo Luật, có 7 Điều, khoản giao Chính phủ; 1 Điều, khoản giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và 3 Điều, khoản giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên qua nghiên cứu dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật gửi lấy ý kiến kèm theo dự thảo Luật, tôi nhận thấy việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và giao Thống đốc ngân hàng nhà nước hướng dẫn chi tiết chưa được quy định, cụ thể hóa bằng quy phạm pháp luật cụ thể, đầy đủ. Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc theo hướng quy định cụ thể, chi tiết hơn tại dự thảo Nghị định và Thông tư để dễ áp dụng vào thực tiễn khi Luật thông qua và có hiệu lực pháp luật.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ. |
Về hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận thấy: Rửa tiền là một vấn nạn toàn cầu, điều này không chỉ đe dọa an ninh của quốc gia mà còn phá hủy sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính cũng như cản trở sự thịnh vượng của nền kinh tế. Do đó hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền là vấn đề quan trọng cần được quan tâm.
“Tôi đồng thuận quan điểm cần hệ thống hóa các quy định về hoạt động này đang nằm rải rác tại các chương của dự thảo Luật thành 1 chương riêng về “Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền” như Luật hiện hành sẽ phù hợp yêu cầu thực tiễn hơn.
ĐIỀU CHỈNH CÁC GIAO DỊCH LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN ẢO BẰNG NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, công nghệ hiện đại không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn là cơ hội để các đối tượng thực hiện các hành vi gian lận tinh vi và phức tạp hơn, bao gồm các hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao qua các kênh thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trên nền tảng số, công cụ chuyển nhượng như Token, điện thoại, máy tính có kết nối mạng… Trong khi đó Luật chưa có những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo.
Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền được thực hiện dưới dạng các phương thức này. Cụ thể, cần đưa hoạt động “cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo” vào Điều 4 dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định về hoạt động mà các tổ chức tài chính có thể thực hiện cùng các khái niệm về các hoạt động nêu trên. Mục đích của việc bổ sung này buộc các Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc cung ứng hạ tầng thanh toán cho các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, thanh toán qua mạng phải báo cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Quang cảnh phiên họp. |
Ngoài ra, đối với một số điều khoản khác của dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, cân nhắc việc bổ sung các quy định của Luật (sửa đổi) theo hướng đảm bảo quy định của Hiến pháp, cũng như không mâu thuẩn với các quy định pháp luật có liên quan, bao gồm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật thông tin cá nhân và các hình thức mang tính riêng tư khác.
Cụ thể, tại điểm d, khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật quy định đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động “dịch vụ thanh toán” đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “quan hệ giao dịch cung ứng dịch vụ tài chính” và hướng dẫn rõ hơn về mức giao dịch thường xuyên, điều kiện giao dịch đối với các hoạt động này, nhằm tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin khai thác khách hàng; bổ sung đối tượng là các tổ chức phi lợi nhuận để phù hợp với Điều 23 và nguy cơ “rửa tiền” xảy ra trong các tổ chức phi lợi nhuận.
Tại khoản 2, Điều 12 - Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) quy định: “Đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật, qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức quy định tại Điều 13, Điều 14 của luật này để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp”. Cần xem xét, bổ sung trách nhiệm nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền được giao nhiệm vụ thu thập, xử lý, phân tích thông tin và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền không chỉ thực hiện nhiệm vụ khai thác thông tin hiệu quả mà còn phải đảm bảo yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng.
Cùng với các vấn đề nêu trên, Ban soạn thảo cũng cần xem xét quy định về thời gian báo cáo tại điều 37 tương ứng với hình thức báo cáo tại điều 36 dự thảo Luật (sửa đổi).
Tại Điều 35 Dự thảo Luật quy định việc khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới. Đề nghị cân nhắc bổ sung liệt kê về các công cụ chuyển nhượng. Do đối với một số loại tiền điện tử, công cụ chuyển nhượng có thể là các token, điện thoại, máy tính có kết nối mạng.
Tại Điều 45 của dự thảo Luật nên thay cụm từ “phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản” bằng cụm từ “kê biên hoặc tạm giữ tài sản” để phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
CHÂU VŨ – PHÚC LƯU