.
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG 2021-2030

Xây dựng nền kinh tế thịnh vượng và môi trường bền vững

Cập nhật: 18:54, 24/11/2022 (GMT+7)

Chiến lược Phát triển lưu vực sông Mê Công giai đoạn 2021-2030, được phê duyệt bởi bộ trưởng các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, chiến lược tập trung vào mục tiêu xây dựng nền kinh tế thịnh vượng và môi trường bền vững.

Đại diện các nước thành viên của Ủy hội và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp.
Đại diện các nước thành viên của Ủy hội và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự phiên họp.

Đó là những nội dung quan trọng được tập trung thảo luận tại phiên họp lần thứ 29 Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế - MRC (sau đây gọi tắt là Ủy hội) kết hợp với phiên họp lần thứ 27 nhóm tư vấn các đối tác phát triển của Ủy hội được tổ chức tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 24/11.

Thông qua nhiều văn kiện quan trọng

Tại phiên họp lần này, Hội đồng Ủy hội đã thảo luận nhiều văn kiện quan trọng như: Các tài liệu chuẩn bị cho hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mê Công quốc tế diễn ra vào đầu tháng 4/2023 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội; Báo cáo tiến độ thực hiện chiến lược phát triển lưu vực giai đoạn2021-2030; Báo cáo tình hình thực hiện các thủ tục giám sát sử dụng nước; hoạt động hợp tác với đối tác và các bên liên quan của Ủy hội; Quỹ tài chính cho lưu vực Mê Công; Tiến độ của nghiên cứu về thay đổi dòng chảy thủy văn của lưu vực sông Lan Thương - Mê Công và Chiến lược thích ứng, báo cáo về các điều kiện khí tượng thủy văn ở lưu vực sông Mê Công trong năm 2022.

Tại phiên họp, các bộ trưởng thành viên Hội đồng Ủy hội cũng đã xem xét thông qua Kế hoạch công tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong hai năm 2023 - 2024, trong đó tập trung vào tiếp tục nâng cấp các mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước và môi trường của Ủy hội; tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin, số liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước giữa các quốc gia thành viên và với hai nước thượng nguồn là Trung Quốc và Mianma; thực hiện hiệu quả các quá trình tham vấn các công trình thủy điện dòng chính đặc biệt tăng cường tham vấn cộng đồng người dân bị tác động trong quá trình tham vấn; tăng cường chất lượng các dịch vụ về dự báo, cảnh báo thiên tai để cung cấp thông tin kịp thời cho các quốc gia ven sông.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà Ủy hội đã đạt được thời gian qua cùng với nỗ lực hợp tác của các quốc gia thành viên và sự hỗ trợ kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội. Bộ trưởng hoan nghênh việc Ủy hội đã thông qua hai hướng dẫn kỹ thuật quan trọng liên quan tới thiết kế thủy điện dòng chính và đánh giá tác động môi trường nhằm giảm thiểu tác động môi trường xuyên biên giới. Cột mốc này đánh dấu sự nỗ lực và kiên trì của các nước thành viên, cùng nhau hành động vì một lưu vực sông Mê Công phát triển bền vững.

Kinh tế thịnh vượng, môi trường bền vững

Theo báo cáo của Ủy hội, Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên: Cải thiện các chức năng sinh thái của sông Mê Công vì một môi trường lành mạnh và cộng đồng có năng suất sản xuất cao; cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng nước và tài nguyên liên quan vì phúc lợi của cộng đồng; tăng tính bền vững của các hoạt động phát triển để hướng tới tăng trưởng kinh tế bao trùm; nâng cao khả năng chống chịu trước rủi ro khí hậu và thảm họa và tăng cường hợp tác cấp khu vực theo quan điểm toàn lưu vực.

Cuối phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2022 đã chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2023 cho Ủy viên Hội đồng của Campuchia. Phiên họp lần thứ 30 của Hội đồng sông Mê Công quốc tế dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023 tại Campuchia.

Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Công giai đoạn 2021-2030 đã được cập nhật và mở rộng các cơ hội phát triển bền vững với các cơ hội đầu tư môi trường và xã hội như phát triển thủy điện để thúc đẩy an ninh năng lượng và thương mại xuyên biên giới, góp phần quản lý lũ lụt, hạn hán và nền kinh tế carbon thấp.

Chiến lược cũng góp phần phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu để cải thiện hiệu quả, tăng khả năng chống chịu hạn hán và cải thiện nhu cầu an ninh lương thực và nước sinh hoạt gia đình; phát triển giao thông thủy hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường. Mặt khác, chiến lược cũng thúc đẩy sự phát triển của các dự án đầu tư chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia và các dự án quốc gia quan trọng tạo ra lợi ích trong nước cũng như tạo các cơ hội ở những khu vực khác trong lưu vực.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: “Một trong những vấn đề quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là thông qua việc phê duyệt Kế hoạch Công tác năm 2023-2024, chúng ta tiếp tục cam kết triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch Chiến lược 2021-2025 của Ủy hội. Tuy nhiên, việc này cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các quốc gia thành viên và Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tuân thủ sứ mệnh của Ủy hội là mang lại những lợi ích cao nhất cho người dân sống trên lưu vực sông Mê Công”.

Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chia sẻ một số thành tựu quan trọng về kinh tế- xã hội mà tỉnh đã đạt được. Ông Nguyễn Công Vinh cho biết, cũng như nhiều nơi trên thế giới, Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của việc gia tăng sử dụng nước cho phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số, chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua, cùng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng khiến một số nơi xuất hiện nguy cơ ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. “Vì vậy, phiên họp là cơ hội để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu học hỏi kinh nghiệm trong quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh”, ông Nguyễn Công Vinh khẳng định.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.