Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 9/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và tiến hành thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: CHÂU VŨ |
Làm rõ những nội dung quan trọng trong thực tiễn
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Đại biểu cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước.
Nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật hóa Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.
Góp ý vào dự thảo luật tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung giải thích hai cụm từ là “khu vực sơ tán” và “khu vực tập kết”. Vì đây là nội dung quan trọng và trong thực tiễn, đây là những khu vực chúng ta phải chuẩn bị ngay từ khi chưa xảy ra thảm họa, sự cố, khi xảy ra các tình huống thiên tai thì đây là các khu vực sơ tán, phân tán để bảo đảm an toàn cho nhân dân. Đồng thời đây cũng là khu vực tập kết lực lượng, phương tiện để tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Về các hành vi nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung thêm một khoản đó là cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện khi địa phương huy động thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Lý do bổ sung thêm khoản này để khi có tình huống về thảm họa, sự cố, thiên tai khi địa phương huy động mà các tổ chức, cá nhân cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện làm cơ sở chế tài để xử lý. Đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực của luật.
Cần quy định cụ thể về tình trạng khẩn cấp
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, việc phòng thủ dân sự cần lồng ghép vào quy hoạch sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của địa phương. Ngoài ra, việc phòng thủ dân sự cần hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, giao thông... .
Về tình trạng khẩn cấp, đại biểu Siu Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị quyết định rõ hơn về khái niệm này. Trên cơ sở dự án Luật cho thấy, nhiều quy định liên quan đến cụm từ “tình trạng khẩn cấp” như tại Điểm d, khoản 2, Điều 21, Khoản 4, Điều 22 và Mục 4. Nếu như Nghị định số 71 ngày 23/7/2002 quyết định chi tiết tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm thì căn cứ ban hành Nghị định có Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số luật như: Luật Quốc phòng năm 2018, Luật phòng, chống thiên tai và thực tiễn đối phó với tình trạng dịch bệnh Covid 19 cho thấy, có giai đoạn cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở mức cao hơn và lâu dài hơn.
Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu đi hành lang pháp lý để thống nhất điều chỉnh. Vì vậy, để quyết định mang tính chung nhất về phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai thì cần làm rõ khái niệm tình trạng khẩn cấp trong dự thảo luật là hết sức cần thiết và nội hàm tình trạng khẩn cấp trong dự thảo luật thống nhất với các văn bản nêu trên.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Anh Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ, thời gian qua công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều thiên tai lớn xảy ra nhưng chưa cảnh báo được hậu quả, chưa cảnh báo được cấp độ dẫn đến thiệt hại rất lớn. Vì vậy cần có quy định về khuyến khích việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
PHÚC LƯU - CHÂU VŨ
THÔNG QUA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN Với 444 đại biểu tán thành/477 đại biểu tham gia (chiếm 89,16% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đây là dự án Luật đầu tiên của Kỳ họp thứ tƯ, Quốc hội khóa XV được thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết riêng một điều khoản về lựa chọn phương án cấp tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp Nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. |