Cần cơ chế phối hợp hiệu quả Vùng Đông Nam Bộ

Thứ Tư, 30/11/2022, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam Bộ, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có tham luận, đề cập đến cơ chế liên kết hoàn thiện hơn giữa các địa phương trong vùng.  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu xin giới thiệu nội dung tham luận.

Ông Phan Văn Mãi.
Ông Phan Văn Mãi.

Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TP. Hồ Chí Minh trong Vùng là thành phố hiện đại, thông minh, năng động sáng tạo. Thành phố sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2030 với các nội dung trọng tâm theo Nghị quyết 24; trước mắt, phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng cơ chế chính sách tạo động lực phát triển thành phố trong thời kỳ mới thông qua việc tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới cho thành phố, tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 với việc xin thí điểm việc mở rộng cơ chế phân cấp phân quyền cho thành phố trong một số lĩnh vực.

Sơ đồ quy hoạch dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN THÁI
Sơ đồ quy hoạch dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN THÁI

Làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong Vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như: đường Vành đai 3, Vành đai 4, triển khai các công trình giao thông đón đầu việc khánh thành sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1...

Bên cạnh các công trình giao thông, thành phố đang chủ động phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ GT-VT xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” theo tinh thần Nghị quyết 24 nhằm bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Đây là dự án không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.

Tập trung nguồn lực đầu tư công và có cơ chế huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư xã hội triển khai các công trình, dự án chỉnh trang đô thị gắn với giải quyết các vấn đề còn tồn tại như: ngập nước, ùn tắc giao thông, phát triển nhà ở thay nhà trên - ven kênh rạch, chung cư cũ, nhà lưu trú cho công nhân–sinh viên. Thí điểm triển khai đề án đảm bảo an sinh xã hội đối với một đô thị lớn. Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung phát triển giáo dục đào tạo chất lượng cao, đưa thành phố thành trung tâm cung ứng nguồn nhân lực cho cả Vùng, phát triển thị trường lao động chung của Vùng.

Dự án đường liên cảng Cái Mép -Thị Vải giúp hỗ trợ đồng bộ, kết nối hệ thống giao thông trong khu vực, nâng cao hiệu quả sử dụng của các cảng và khu vực cảng. Ảnh: THANH NGA
Dự án đường liên cảng Cái Mép -Thị Vải giúp hỗ trợ đồng bộ, kết nối hệ thống giao thông trong khu vực, nâng cao hiệu quả sử dụng của các cảng và khu vực cảng. Ảnh: THANH NGA

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, để thực hiện tốt các nhiệm vụ của thành phố cũng như của các địa phương trong Vùng, thành phố đề xuất giải pháp cụ thể về phối hợp hiệu quả trong thực hiện Chương trình hành động. Đó là có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giữa các địa phương trong Vùng và các bộ ngành có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết 24 trên địa bàn cả Vùng. Trước mắt là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương và quy hoạch Vùng; triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường Vành đai 3, 4, các đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Mộc Bài; TP.Hồ Chí Minh- Chơn Thành; Biên Hòa-Vũng Tàu; Đồng Nai- Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Hiện tại nhiệm vụ “Xây dựng thể chế, cơ chế điều phối, liên kết phát triển Vùng” dự kiến giao cho Bộ KH-ĐT. Tuy nhiên, cần xác định rõ thể chế “Hội đồng Vùng” với thẩm quyền và nguồn lực rõ ràng, nhằm thực hiện hiệu quả công tác điều phối. Các nhiệm vụ cụ thể có tác động chung đến cả Vùng cần được giao cho Hội đồng Vùng, nhằm tránh chia cắt về địa bàn hay lĩnh vực.

Trước mắt, bổ sung rõ cơ chế trách nhiệm phối hợp liên tỉnh trong Vùng trong thực hiện các nhiệm vụ có quy mô liên quan hay tác động từ 2 địa phương trong Vùng trở lên. Đề xuất Bộ KH-ĐT sớm trình Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021 - 2025.

Tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn Bến Cát - Bình Dương.  Ảnh:  XUÂN THÁI
Tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn Bến Cát - Bình Dương. Ảnh: XUÂN THÁI

 

;
.