.

Nhiều kiến nghị thiết thực cho Luật Đất đai sửa đổi

Cập nhật: 20:55, 06/10/2022 (GMT+7)

Ngày 6/10, Đoàn ĐBQH tỉnh do bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì đã có buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề về đất đai. Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị thiết thực cho Luật Đất đai sửa đổi.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến thông tin, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật rất quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. 

“Do đó, việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là các cử tri đang công tác trong các lĩnh vực đất đai là vấn đề rất quan trọng và cần thiết để hoàn chỉnh dự án Luật một cách thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn”, bà Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi, ông Lê Văn Dũng, Trưởng Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho rằng, xét theo quy định của Luật Đất đai sửa đổi thì trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất không thuộc đối tượng được chuyển đổi. Do đó, cần phải chỉnh sửa, bổ sung Điều 59, Mục 5, Chương III như sau: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ”.

Ông Lê Minh Kha, Trưởng phòng TN-MT huyện Đất Đỏ đóng góp ý kiến một số vướng mắc trong thực hiện việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất.
Ông Lê Minh Kha, Trưởng Phòng TN-MT huyện Đất Đỏ đóng góp ý kiến một số vướng mắc trong thực hiện việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc góp ý về nội dung “Nhà nước điều tiết thị trường quyền sử dụng đất”. Ông Tiến cho biết, hiện trên địa bàn huyện Xuyên Mộc quỹ đất cho phát triển nhà ở tái định cư như nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp ngày một hạn hẹp. Do đó, khi xây dựng cơ chế hỗ trợ tái định cư, giao đất ở mới bằng đất trong tương lai là khó thực hiện và có thể thay thế bằng việc giao nhà ở tái định cư để bảo đảm an sinh, chỗ ở cho người có đất bị thu hồi khi thực hiện các công trình trên địa bàn tỉnh cũng như các địa phương khác. Ông Tiến kiến nghị bổ sung cụm từ “tái định cư bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư” tại Khoản 3, Điều 23, Chương II, Mục 1.

Theo ông Lê Minh Kha, Trưởng Phòng TN-MT huyện Đất Đỏ, hiện người sử dụng đất phải đăng ký kế hoạch mặc dù không có nhu cầu. Trong khi đó, người sử dụng đất có phát sinh nhu cầu thì không thực hiện được do không có trong kế hoạch. Vì vậy, ông Kha đề nghị về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất nên giao cho HĐND cấp huyện để huyện chủ động trong việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và dự án công trình theo kế hoạch đầu tư của huyện.

Sau gần 3 giờ đồng hồ tổ chức, hội nghị đã nhận được 17 lượt ý kiến của 16 đại biểu góp ý tập trung các nội dung: mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm...

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần này gồm 16 chương, 245 điều (Tăng 02 chương, 33 Điều so với Luật Đất đai năm 2013), trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Yến đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu, từ đó khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, tránh hợp thức hóa những vi phạm, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn mang tính sự vụ, hiện tượng. Đồng thời cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

“Hội nghị cũng là dịp để Đoàn ĐBQH tỉnh lắng nghe những bất hợp lý từ thực tiễn và nội dung chồng chéo, bất cập; từ đó nắm thông tin, đưa kiến nghị, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường Quốc hội, góp phần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung để khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai”, bà Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.