Người dân khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của quốc gia

Thứ Sáu, 28/10/2022, 15:46 [GMT+7]
In bài này
.

Phát biểu thảo luận về kinh tế-xã hội tại Nghị trường Quốc hội vào chiều 28/10, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề xuất các nhóm giải pháp chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân với quan điểm “Người dân khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của bất cứ quốc gia nào”, phát triển kinh tế số và ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội. Ảnh: CHÂU VŨ
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội. Ảnh: CHÂU VŨ

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CỦA VIỆT NAM THUỘC NHÓM CAO NHẤT ĐÔNG NAM Á

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, trong 9 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Song, Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế phục hồi nhanh, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Những vấn đề cấp bách đã xử lý hiệu quả, kịp thời như: giá xăng dầu, tỉ giá, chứng khoáng, bảo lụt... Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được chỉ đạo giải quyết, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

GDP 9 tháng tăng 8,83% cao nhất từ năm 2011 đến nay chứng minh năm 2022 là một năm bứt phá, tăng tốc, ấn tượng, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á, xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau đại dịch.

“Cử tri và Nhân dân cả nước vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành năng động, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ trước những khó khăn của đất nước”, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về kinh tế-xã hội vào chiều 28/10. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về kinh tế-xã hội vào chiều 28/10. Ảnh: CHÂU VŨ

ĐƯA NỘI DUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VỀ Y TẾ VÀO NGHỊ QUYẾT CHUNG CỦA KỲ HỌP THỨ TƯ

Chúc mừng ngành y tế vừa có Tân Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Yến chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Y tế về những khó khăn hiện nay. Bộ trưởng cũng hết sức nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, nhưng vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trên diện rộng, một số y, bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc… không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế, mà đòi hỏi có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới giải quyết tốt được.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, “Tài sản đầu tiên là sức khỏe. Sức khỏe mới là thứ đáng quý nhất ở trên đời. Người dân khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của bất cứ quốc gia nào”. Trước thực trạng trên và để thực hiện tốt Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng, kiến nghị Quốc hội, đưa nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cấp thiết, cần đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ tư. Đồng thời giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những khó khăn từ thực tiễn nêu trên. Bởi vì, hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu; Luật Giá (sửa đổi), và các luật liên quan đang trong tiến trình sửa đổi, bổ sung; nên khi được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ năm 2024, không kịp thời giải quyết, tháo gỡ tình trạng cấp bách hiện nay, khi các luật sửa đổi chưa được thông qua và có hiệu lực.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các Nghị định 60, 98, 146; Thông tư số 21, 30, 37, 38; Quyết định số 4210, 5086… có bất bất cập, không phù hợp bằng một Nghị định chung và Thông tư mới để điều chỉnh kịp thời các vướng mắc từ thực tiễn.

Bộ phận lọc máu của Bệnh viện Vũng Tàu phục vụ bệnh nhân.Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Bộ phận lọc máu của Bệnh viện Vũng Tàu phục vụ bệnh nhân.Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

THỐNG NHẤT PHẦN MỀM QUẢN LÝ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH TÀU CÁ

Để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam về thiết bị giám sát hành trình tàu cá đảm bảo chất lượng, giải pháp công nghệ. Hoàn thiện, nâng cấp triển khai đồng bộ, thống nhất phần mềm quản lý giám sát hành trình tàu cá đối với 28 tỉnh, thành phố có biển, đảm bảo cơ sở dữ liệu quốc gia về dữ liệu hành trình tàu cá.

Bên cạnh đó đề nghị tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành trung ương, các địa phương, các lực lượng chấp pháp trong công tác phòng, chống khai thác IUU, phân công trách nhiệm cụ thể lực lượng chủ trì, lực lượng phối hợp trên biển trong tuần tra, xử lý vi phạm IUU; bổ sung, sửa đổi Nghị định về xử lý vi phạm trên biển. Tiếp tục quan tâm có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân “vươn khơi, bám biển” để phát triển khai thác thủy sản bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ quyền, chủ quyền trên vùng biển Việt Nam.

KINH TẾ SỐ LÀ ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG QUAN TRỌNG NHẤT

Kinh tế số đang phát triển nhanh và trở thành xu hướng, tiềm năng phát triển mới trên thế giới, hiện đang chiếm 15% GDP toàn cầu. Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong khối ASEAN về kinh tế số; nếu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2021 là 5% thì chỉ trong những tháng đầu năm 2022 tỷ trọng này đã đạt 10,41%.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số quốc gia được đánh giá giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giúp Nhà nước thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Kinh tế số được xem là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam dựa trên công nghệ số và nền tảng số có sử dụng thông tin số, tri thức số, dữ liệu số; đặc biệt là các giao dịch điện tử. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Như vậy, theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP (6,5-7%), tức là khoảng 20-25% /năm.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt quyết định số 411 ngày 31/3/2022 của Chính phủ và quản lý đồng bộ về phát triển chuyển đổi số quốc gia, trong đó đặc biệt quan tâm đến kinh tế số. Đồng thời quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực số, đầu tư hạ tầng số. Bổ sung, cập nhật chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế số trong tỷ trọng GDP, xem đây là chỉ tiêu đột phá góp phần tạo động lực tăng trưởng GDP của Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU

 

;
.