Nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại, kỳ tích, sự độc đáo và sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 61 năm trôi qua, những bài học kinh nghiệm rút ra từ con đường “huyền thoại” vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay. Trong ảnh: Tàu của Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. |
Kỳ tích trong lịch sử chống giặc ngoại xâm
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ngày 23/10/1961, Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Hải quân ngày nay) đã được thành lập, chính thức mở con đường vận chuyển chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ chí Minh - con đường “huyền thoại” trên biển, nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Gần 14 năm làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam (1961-1975), các lực lượng trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đấu trí, đấu lực quyết liệt trước sự truy cản gắt gao của đối phương và bão tố biển khơi, mưu trí dũng cảm, sáng tạo ra các phương thức vận chuyển độc đáo, đạt hiệu suất cao.
Các lực lượng đã tổ chức hơn 1.900 lượt tàu, đi gần 4 triệu hải lý, với 19 bến bãi thuộc 9 tỉnh, thành, vận chuyển gần 160 ngàn tấn vũ khí đạn dược, hơn 80 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, làm nên những chiến công như “huyền thoại”, một kỳ tích trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến công và thành tích vẻ vang của đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 19 bến bãi trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển “huyền thoại” có 1 bến thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay, đó là bến Lộc An (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). Bến Lộc An chỉ là điểm tiếp nhận 3 chuyến tàu của Đoàn tàu không số (chuyến thứ nhất cập bến ngày 10/3/1963, chở 20 tấn vũ khí; chuyến thứ hai cập bến ngày 22/12/1964, chở 44 tấn vũ khí; chuyến thứ ba cập bến ngày 1/2/1965, chở 70 tấn vũ khí). Đây là những chuyến hàng chiến lược, trong thời điểm vô cùng quan trọng, đã kịp thời chi viện vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc để trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng, từ đó làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại có thật, một kỳ tích, biểu tượng vinh quang của cả dân tộc; độc đáo và sáng tạo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ bằng các loại tàu, thuyền nhỏ bé, thô sơ, nhưng với ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do, chúng ta đã quy tụ được sức mạnh của cả dân tộc; vận dụng linh hoạt các phương thức vận tải, triệt để tận dụng thời cơ, làm chủ tình huống và làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ, khâm phục lòng dũng cảm của những con người điều khiển phương tiện thô sơ ấy.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo “từ sớm”, “từ xa”
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, quyết liệt hơn. Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đang có những diễn biến mới, khó lường. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng cần vận dụng sáng tạo những bài học bổ ích rút ra từ đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là:
Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, tiềm năng của biển đảo; về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Đảng ta; âm mưu, thủ đoạn, tham vọng của các nước liên quan đến chủ quyền biển, đảo và những khó khăn, thách thức đặt ra trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay; có kế sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo “từ sớm”, “từ xa”.
Một bài học cũng hết sức quan trọng nữa là, chúng ta phải tiếp tục quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tích cực, chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc trên các vùng biển, đảo. Chúng ta cần có chính sách thu hút, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền. Mỗi tàu cá trở thành một “vọng gác tiền tiêu”, mỗi ngư dân là một “chiến sĩ trinh sát”, sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Cùng với đó, phải quán triệt và thực hiện tốt bài học về phát huy nội lực, quan tâm đầu tư xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại. Nòng cốt là Hải quân Nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng vững mạnh.
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển rộng khắp với cách đánh sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trên chiến trường biển, đảo. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Những bài học bổ ích từ truyền thống, lịch sử vẻ vang đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị và cần phải được tiếp tục vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
Đại tá BÙI VĂN BỀN
(Chính ủy Lữ đoàn 171 Hải quân)