KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Thứ Năm, 20/10/2022, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV…

Giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, đất nước ta vẫn đạt được những kết quả rất tích cực.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt chỉ tiêu (6-6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).

Ngoài ra, cần điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phát sinh; trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ kịp thời DN, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Thủ tướng cho biết, trong năm tới, nước ta hướng tới mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. 

98,3% ý kiến, kiến nghị đã được giải quyết

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy viên UBTV Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTV Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như lao động, thương binh, xã hội; y tế; tài nguyên và môi trường; nội vụ; nông nghiệp, nông thôn; GD-ĐT… Đến nay, 2.596 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 98,3%.

THỐNG NHẤT

 
;
.