.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thảo luận dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Cập nhật: 17:29, 22/10/2022 (GMT+7)

Quốc hội dành cả buổi làm việc chiều 22/10 để thảo luận hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghe tờ trình, thẩm tra Luật Hợp tác xã.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở:
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chiều 22/10.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, đồng thời điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở trong từng loại hình và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoa XV.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, ý kiến chuyên gia, nhà khoa học.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

Dự thảo Luật cũng đã được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Các đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận và lấy ý kiến về dự án luật này. 

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 6 chương 92 Điều, giảm 1 chương và tăng 18 Điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng. Qua tổng hợp cho thấy cơ bản các ý kiến tán thành cao với dự thảo Luật. Đến nay còn nổi lên hai vấn đề còn ý kiến khác nhau là việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động và việc thành lập Ban thanh tra Nhân dân ở tất cả các tổ chức, cơ sở.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu làm rõ quan điểm và nêu đề xuất cụ thể.

Bày tỏ nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cũng như nhiều nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đưa ra những quy định hợp lý hơn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ những nút thắt trong việc thực hiện, thể hiện đậm nét tinh thần dân chủ.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: CHÂU VŨ.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: CHÂU VŨ.

Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở, khoản 4 Điều 3 quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phải bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Đại biểu đề nghị làm rõ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư cụ thể là quyền và lợi ích gì, cơ chế bảo vệ như thế nào? Cần luật hóa rõ những nội dung cụ thể liên quan đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Điểm a, khoản 1 Điều 22 quy định: Quyết định của cộng đồng dân cư được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ khi thuộc một trong trường hợp có nội dung trái với quy định của pháp luật, thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung một điều quy định về việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thi hành đối với phần nội dung văn bản của cộng đồng dân cư có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội trong thời gian chờ thay thế văn bản của cộng đồng dân cư.

Về vấn đề công dân đề xuất sáng kiến, đại biểu cho rằng việc quy định khắt khe về điều kiện, trách nhiệm sẽ khiến công dân e ngại, không mạnh dạn đề xuất các sáng kiến, đồng thời quy định trong dự thảo Luật chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng, đối với công dân có sáng kiến, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố tiếp thu và có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét đưa ra cộng đồng dân cư lấy ý kiến và quyết định.

Quang cảnh phiên họp chiều ngày 22/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Quang cảnh phiên họp chiều ngày 22/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Dẫn hai điều khoản: Khoản 2, Điều 85 dự thảo quy định thẩm quyền của UBND tỉnh: “Xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn". Điểm a, Khoản 1, Điều 86 quy định về trách nhiệm của HĐND cấp xã “Quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ trong phạm vi địa bàn cấp xã”. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng đây là nội dung giao địa phương cần quy định chi tiết, nhưng quy định này khó triển khai thực hiện, vì giao chung chung, không chi tiết, cụ thể. Những biện pháp Trung ương đã có mà địa phương quy định lại thì không cần thiết và trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (văn bản không được quy định lặp lại văn bản của Trung ương), còn những biện pháp khác ngoài luật thì trái. Vì vậy,  đại biểu Nguyễn Tâm Hùng kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên bỏ quy định này.

Bên cạnh đó, tại khoản 4, Điều 9 dự thảo Luật quy định: “Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc; gây thiệt hại cho cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động” đại biểu Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa cụm từ “gây thù hận” thành “gây mâu thuẫn”; vì cụm từ “thù hận” không nên dùng trong văn bản Luật.

“Ngoài ra, dự thảo Luật cần thống nhất sử dụng cụm từ “Cộng đồng dân cư” hoặc “thôn, tổ dân phố”. Vì tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật đã giải thích cụm từ “Cộng đồng dân cư” “thôn”“tổ dân phố”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có sự thống nhất trong sử dụng cụm từ này, cụ thể: Điều 18. Tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố; Điều 20. Quyết định của cộng đồng dân cư; Điều 21. Hiệu lực của Quyết định của cộng đồng dân cư; Điều 33. Hội nghị định kỳ của thôn, tổ dân phố.

CHÂU VŨ - AN NHIÊN 

.
.
.