Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Vẻ vang chặng đường 60 năm
Năm 2022 đánh dấu chặng đường lịch sử 60 năm đầy vẻ vang của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nơi đây đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông... Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, suốt 60 năm qua, bằng lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo, Học viện đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Sinh viên thực hành tại hệ thống studio và trường quay ảo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Những dấu mốc lịch sử
Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tiền thân là Trường Tuyên giáo trung ương, được thành lập ngày 16-1-1962 theo Nghị quyết số 36/NQ-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa III (trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Tuyên giáo, Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II và Trường Đại học Nhân dân), có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo ở trung ương, địa phương. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, sinh viên của Học viện luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, đạt nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Điểm lại những dấu mốc lịch sử, cán bộ, giáo viên, học viên, sinh viên của Học viện thêm vinh dự, tự hào về chặng đường đã qua, càng thêm nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, khi mới thành lập, Học viện là cơ sở đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, tuyên truyền, huấn học phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 11-1990 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định công nhận trường là trường đại học.
Trong giai đoạn phát triển mới, Học viện ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện. Các thành tựu của Học viện thể hiện toàn diện ở nhiều lĩnh vực, như đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế... Đến nay, Học viện là một trong số ít các trường đại học trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và là cơ sở đào tạo đầu tiên trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được kiểm định và được công nhận đạt chuẩn chất lượng về cơ sở giáo dục.
Không ngừng phát triển cả về “lượng” và “chất”
Hiện tại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức đào tạo đại học 41 ngành, chuyên ngành, 5 chương trình chất lượng cao, 1 chương trình liên kết quốc tế; 20 ngành/chuyên ngành thạc sĩ... Đặc biệt, có những ngành ở Việt Nam chỉ được đào tạo duy nhất hoặc đầu tiên tại Học viện, như: Công tác tư tưởng, quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa, xuất bản, báo mạng điện tử, quan hệ công chúng, quảng cáo, thông tin đối ngoại, truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện...
Cùng với việc mở rộng quy mô, Học viện còn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện các mặt hoạt động với những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ. Nhà trường tập trung đổi mới các chương trình đào tạo gắn với việc chuẩn hóa, cập nhật kiến thức và kỹ năng, bám sát yêu cầu thực tiễn xã hội và xu thế hội nhập quốc tế; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy tích cực gắn với chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; công khai trách nhiệm giải trình các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo... Những nỗ lực ấy đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Phần lớn sinh viên, học viên tốt nghiệp từ Học viện đã nhanh chóng được nhận vào làm việc đúng ngành nghề, phát huy tốt khả năng chuyên môn đã được đào tạo.
Trải qua 60 năm, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị - xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ làm công tác truyền thông, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông trong cả nước. Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Nhiều năm qua, Học viện còn đào tạo hàng nghìn sinh viên đại học, học viên cao học, thực tập sinh và nghiên cứu sinh đến từ các nước: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc... theo hiệp định song phương giữa Đảng, Chính phủ Việt Nam và Đảng, Chính phủ các nước. Ngoài ra còn có những sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh nước ngoài đăng ký học tập tự do. Đây là minh chứng thể hiện sự uy tín và phạm vi ảnh hưởng của Học viện trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ đầy tự hào: Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là một trường Đảng, một trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí - truyền thông, tư tưởng - văn hóa và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác. Với những cống hiến bền bỉ, Học viện vinh dự nhận được nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, như: Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1992), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2021)... Trong những năm tới, Học viện tiếp tục giữ vững khối đoàn kết thống nhất, tăng cường trách nhiệm, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đáp ứng tốt yêu cầu công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới.
Theo Hà Nội Mới