60 NĂM THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM - LÀO: Mối giao tình đặc biệt

Thứ Tư, 14/09/2022, 18:44 [GMT+7]
In bài này
.

Trên thế giới, hiếm có một tình hữu nghị quốc gia nào đặc biệt như Việt Nam - Lào. Đó là mối tình anh em vĩ đại, đã đi vào trái tim của nhân dân 2 nước.

Đoàn cán bộ Đảng nhân dân Cách mạng Lào sang thăm, làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu  và chụp hình lưu niệm tại Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ).
Đoàn cán bộ Đảng nhân dân Cách mạng Lào sang thăm, làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và chụp hình lưu niệm tại Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ).

“Người Lào coi tôi như người nhà!”

“Bây giờ, mỗi dịp tôi sang Lào, bạn bè, người dân, thậm chí là những người lãnh đạo cấp cao đón tiếp nhiệt tình. Họ coi tôi như người nhà, tình nghĩa, trong sáng, thủy chung”, ông Lương Anh Chiến, 73 tuổi (123, Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) nói về tình cảm đặc biệt với người dân, đất nước Lào.

Ông Lương Anh Chiến là một trong số nhiều Việt kiều Lào hiện sinh sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Có bố và chị gái sinh sống tại Lào, nên trong khoảng thời gian từ năm 1968 - 1971, ông Chiến sang Lào sinh sống và làm việc.

Tại tỉnh Hủa Phăn, chàng thanh niên Chiến đảm trách công tác dân vận, đi vào từng xóm, làng vận động người dân Lào xây dựng lực lượng dân quân, thành lập Đoàn thanh niên, tổ chức phụ nữ để thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã hội. Không ngại vất vả, chàng thanh niên xắn quần đi cày, trồng khoai, trỉa ngô... với dân. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền địa phương hướng dẫn làm hộ khẩu cho người dân Lào. “Thời đó còn nghèo lắm, có những khi phải hái rau má để ăn. Nhưng người dân Lào rất quý mến, nhiều nhà khá giả nấu xôi, thịt mời cán bộ Việt Nam”, ông Chiến nhớ lại.

Từ năm 1972, ông Chiến về Việt Nam, nhưng vẫn làm việc với người Lào rất nhiều. Ông Chiến trải qua nhiều thời gian công tác ở Trạm thương binh Lào, Trạm đón tiếp Đồng Tâm Lào tại phía Tây tỉnh Thanh Hóa-nơi đón tiếp khách Quốc tế qua lại giữa Việt Nam và Lào. Đến năm 1977, ông Chiến công tác tại Ban hợp tác kinh tế - văn hóa với Lào tỉnh Thanh Hóa với nhiệm vụ đón tiếp, quản lý HS-SV Lào sang Việt Nam du học.

Với nhiều đóng góp to lớn, năm 1981, ông Lương Anh Chiến vinh dự được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước tặng Huân chương tự do hạng Nhất. Dù đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng ông Chiến sắp xếp sang thăm Lào mỗi năm 1-2 lần. “Đúng là tình cảm người dân Lào dành cho tôi vẫn trước sau như một, gặp tôi họ quý lắm, tay bắt mặt mừng, ôm nhau thắm thiết như người nhà vậy. Tôi cũng dành tình yêu đặc biệt với người dân, đất nước Lào”, ông Chiến nói.

Ông Lương Anh Chiến kể với phóng viên về những kỷ niệm, tình cảm gắn bó với người dân, đất nước Lào.
Ông Lương Anh Chiến kể với phóng viên về những kỷ niệm, tình cảm gắn bó với người dân, đất nước Lào.

Mối quan hệ quốc tế mẫu mực, hiếm có trên thế giới

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, cùng uống chung dòng nước Mê-Kông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhân dân hai nước vốn tương đồng về văn hóa, giàu lòng nhân ái, đã xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thuỷ chung, trong sáng gắn bó lâu đời.

Bà Đỗ Thị Như Mai, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Lào là đặc biệt, khác với tất cả các mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước khác. Nhìn lại chặng đường lịch sử 60 năm qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc. 

Xuất phát từ nhu cầu hợp tác sâu rộng và cấp thiết giữa hai nước trong tình hình mới, ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Trong suốt 45 năm qua, Hiệp ước cũng là nền tảng, là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp to lớn vào quá trình đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Đặc biệt, từ tháng 2/2019, quan hệ chính trị “hữu nghị truyền thống” giữa hai nước đã được củng cố, nâng cao thành “quan hệ hữu nghị vĩ đại”, khẳng định mối quan hệ quốc tế mẫu mực, hiếm có trên thế giới.

Trong bối cảnh chung đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất đối với việc phát triển quan hệ với Lào. Minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt đó, năm 2012, Bà Rịa-Vũng Tàu  đã ký thỏa thuận về Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào tại 2 tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, trong đó đã hỗ trợ 20 tỷ đồng để xây dựng Trường phổ thông cơ sở tại xã Khăng Khai, huyện Mường Pek, tỉnh Xiêng Khoảng.

Tính đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu có một dự án đầu tư tại Lào: Công ty cao su Bà Rịa và Công ty Cổ phần cao su Hòa Bình đã góp 30% vốn đầu tư để thực hiện Dự án trồng cây cao su tại huyện Pakse, tỉnh Champasak với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Dự án đã triển khai trồng cao su từ năm 2007, sản lượng khai thác đạt 15.000 tấn/năm. Năm 2021, có 1 DN của Bà Rịa-Vũng Tàu xuất khẩu mặt hàng sắt thép sang Lào, giá trị 1,44 triệu USD. Về du lịch, tháng 12/2021, đã có văn bản cam kết hợp tác giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với tỉnh Luông Prabang về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Về giáo dục, thời gian qua đã có 3 du học sinh sang học tập tại Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bà Đỗ Thị Như Mai, cho biết thêm, cùng với hoạt động của Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân với Lào cũng được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các sở ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức thường xuyên. Đó là các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, Tết cổ truyền Bunpimay của Lào, họp mặt Việt kiều Lào nhân dịp đầu năm mới, giao lưu giữa sinh viên Lào với sinh viên Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài ra, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh còn phối hợp Ban hữu nghị hợp tác Lào và các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn thăm, giao lưu hữu nghị và làm việc với Hội Lào - Việt tại Lào; tiếp các đoàn của Hội Lào - Việt thăm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. “Hoạt động đối ngoại nhân dân đã cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước ngày càng phát huy các giá trị lịch sử, không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào trong quá khứ, hiện tại và tương lai”, bà Đỗ Thị Như Mai nói.

Bài, ảnh: CẨM NHUNG

;
.