Thắp sáng ngọn lửa tri ân
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, sáng 26/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức gặp mặt, giao lưu người có công với cách mạng tiêu biểu.
Các thương, bệnh binh, thân nhân NCC với cách mạng tham dự chương trình giao lưu trong buổi họp mặt. Ảnh: QUANG VINH |
Dự buổi lễ có ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và hơn 300 người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh.
Nét đẹp văn hóa
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn thay mặt lãnh đạo tỉnh gửi lời tri ân sâu sắc đến cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND, thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Văn Tuấn khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu luôn dành sự quan tâm đặc biệt để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình thương binh, liệt sĩ, NCC với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ, chính sách NCC với cách mạng và dành nhiều ưu đãi trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, NCC. Trong đó, tỉnh đã xét duyệt, giải quyết chế độ cho hơn 40.000 lượt NCC với cách mạng; tổ chức nhiều đợt khảo sát và quy tập được 2.417 hài cốt liệt sĩ đưa vào các nghĩa trang.
Cùng với bảo đảm chế độ trợ cấp thường xuyên từ ngân sách Trung ương, hàng năm tỉnh bố trí ngân sách gần 50 tỷ đồng chăm lo cho gia đình chính sách, NCC. Điển hình như các hoạt động hỗ trợ sửa chữa nhà, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết; tổ chức cho đối tượng chính sách đi tham quan, điều dưỡng; trợ cấp cho thương, bệnh binh nặng và trợ cấp khó khăn cho đối tượng chính sách. Với sự chăm lo, hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm phát triển kinh tế, nhiều gia đình chính sách, NCC đã vươn lên làm ăn có hiệu quả, trở thành hộ khá, giàu.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn, phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc NCC đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội, cấp, ngành với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa lớn.
Nhiều việc làm thiết thực như xây tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, thăm tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí, phụng dưỡng Mẹ VNAH được các cấp chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng.
Buổi gặp mặt, giao lưu với người có công tiêu biểu là một trong những hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây là dịp để các thế hệ ôn lại truyền thống qua các cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc và cả những mất mát, hy sinh trong thời bình để giữ cho quê hương bình yên, hạnh phúc... |
Những câu chuyện xúc động
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được xem lại dấu ấn trong hành trình tri ân của Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua phóng sự “Bà Rịa-Vũng Tàu thắp sáng ngọn lửa tri ân”. Những câu chuyện xúc động trong buổi giao lưu được thân nhân liệt sĩ, thương binh và người làm công tác chính sách thương binh, liệt sĩ trên địa bàn tỉnh chia sẻ đã để lại nhiều ấn tượng về sự hy sinh, vượt qua nỗi đau, mất mát và không ngừng vươn lên sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Đó là những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thiệt (con liệt sĩ - Bí thư Chi bộ ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa); chị Vương Thị Trâm (vợ liệt sĩ, TP. Vũng Tàu); chị Nguyễn Thị Bích Hồng (công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách công tác chính sách, UBND xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) và cựu chiến binh, thương binh Phạm Văn Tứ (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ).
Trong câu chuyện ngắt quãng vì xúc động, bà Nguyễn Thị Thiệt kể: “Khi tôi sinh ra, ba đã đi kháng chiến. Tôi chưa từng biết mặt ba, chỉ biết trước khi đi ba có dặn mẹ ở nhà ráng lo cho con ăn học. Ghi nhớ lời căn dặn ấy, 6 anh, chị em chúng tôi luôn cố gắng vươn lên học tập, xây dựng cuộc sống”.
Khi nghe chị Vương Thị Trâm, nhân viên kế toán Chi đội Kiểm ngư số 2 chia sẻ câu chuyện của mình, cả hội trường lặng đi vì xúc động. Chồng chị là Thượng úy Dương Văn Bắc, hy sinh tháng 10/2014 khi đang làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1. Từ khi chồng hy sinh, chị luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của cả người cha lẫn người mẹ. Vượt qua đau đớn, mất mát, chị Trâm luôn là chỗ dựa tinh thần, nuôi dạy 2 con.
“Chồng tôi thường đi công tác từ 8-10 tháng mới về thăm gia đình 1 lần. Trong những lần về thăm nhà hiếm hoi ấy, gia đình lại được quây quần bên nhau. Trước khi hy sinh, anh thường gọi về nhà và không quên dặn dò tôi ở nhà phải cố gắng lo cho con học hành tử tế”, chị Trâm nói trong nghẹn ngào và cho biết thêm, khi chồng hy sinh, 2 con của chị còn rất nhỏ: bé lớn 3 tuổi, bé nhỏ 2 tuổi. “Thời gian dần trôi, các con hiểu hoàn cảnh gia đình, tự giác học, chăm sóc cho nhau giúp tôi yên tâm làm việc. Đó là niềm an ủi giúp tôi vượt lên nỗi đau mất đi người thân”, chị Trâm chia sẻ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 82/82 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ và người có công. 99,8% NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. |
Còn với chị Nguyễn Thị Bích Hồng, gần 20 năm gắn bó với công tác thương binh- xã hội, chị luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ hết mình cho các gia đình chính sách, NCC. “Qua những lần trò chuyện, tiếp xúc với NCC, tôi càng hiểu hơn những hy sinh, mất mát của các cô, chú, tôi càng nỗ lực làm tốt công việc. Qua đó, tôi muốn góp một chút công sức nhỏ bé chăm lo cho gia đình chính sách, NCC, bày tỏ lòng tri ân đối với những công lao, hy sinh lớn lao ấy”, chị Hồng bày tỏ.
ĐÔNG TRÚC