Tư duy, tầm nhìn, cơ hội và giá trị mới

Thứ Tư, 22/06/2022, 21:06 [GMT+7]
In bài này
.

● Xác định vùng Đông Nam Bộ là thị trường, tài nguyên, cơ hội để chia sẻ và phát triển 

● Đưa dịch vụ, tài chính, thương mại trở thành một trụ cột kinh tế mới

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng, đề ra cách tiếp cận mới mẻ về liên kết vùng. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu xin trân trọng giới thiệu những gợi mở của Bí thư Tỉnh ủy về “tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới, giá trị mới” trong chiến lược theo đuổi liên kết vùng.

Vùng Đông Nam Bộ là vùng đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước. Năm 2020, GRDP của vùng chiếm khoảng 33% GDP cả nước và tổng thu ngân sách của vùng chiếm khoảng 36% tổng thu ngân sách của quốc gia. Trình độ phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ nhìn chung cao hơn cả nước ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, cụ thể như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực.

Do đó, cần thống nhất quan điểm, cách tiếp cận và hành động nhằm mục đích xác định và khai thác hiệu quả các nguồn lợi thế của từng tỉnh, thành phố trong vùng; khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực; liên kết, hỗ trợ chia sẻ cơ hội, lợi ích để nâng cao vị thế của vùng kinh tế Đông Nam Bộ và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế đối với lĩnh vực mà vùng Đông Nam Bộ chiếm ưu thế tuyệt đối, đòi hỏi cần phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội phát triển mới và định hướng các giá trị mới cho vùng Đông Nam Bộ để hiện thực hóa khát vọng cất cánh, vươn tầm cạnh tranh ra khu vực và thế giới. Mở ra một giai đoạn, chu kỳ tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng mới của vùng Đông Nam Bộ cho giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

● Về tư duy mới:

Kiến tạo phát triển vùng Đông Nam Bộ theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; lấy con người là trung tâm, kinh tế biển là yếu tố cốt lõi; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tôn trọng quy luật tự nhiên, nhằm mục tiêu trung hòa carbon. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an ninh biên giới, an ninh vùng biển và hải đảo của Tổ quốc. 

Trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu nhất quán theo đuổi liên kết vùng với  tư duy mới:

1. Nhìn nhận, với thị trường 18 triệu dân có thu nhập, sức mua cao nhất nước, quy mô kinh tế, quy mô sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại là tài nguyên, cơ hội để chia sẻ và phát triển.

2. Với quy mô tăng trưởng GRDP và GRDP/người sau 2025, để tăng trưởng cao hơn, lĩnh vực dịch vụ, tài chính, thương mại cần trở thành một trụ cột kinh tế mới của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

● Tầm nhìn mới:

Phát triển vùng Đông Nam Bộ nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2045, Đông Nam Bộ  trở thành vùng có trình độ phát triển cao so với cả nước; đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành một trong những trung tâm tài chính - dịch vụ - du lịch và cảng biển năng động, tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Là cửa ngõ hướng ra biển Đông, hội nhập với thế giới không chỉ đối với Việt Nam mà còn của các nước nằm sâu trong lục địa như Lào, Thái Lan, Campuchia,...

● Về cơ hội mới:

Hiện nay, Trung ương đã quyết định đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nhóm cảng biển số 4 trong đó cảng Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng đặc biệt quốc gia; cùng với đó là hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ được triển khai như đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án đường bộ cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu,... sẽ tạo chuỗi kết nối với hệ thống cảng biển, các cửa khẩu quốc tế, các trung tâm tài chính, các đầu mối vận tải lớn trong khu vực Đông Nam bộ và lớn hơn là Châu Á Thái Bình Dương và toàn thế giới; đây là cơ hội, động lực phát triển quan trọng cho các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, Bà Rịa Vũng Tàu sau năm 2025 là địa phương có đủ 5 phương thức vận tải mà rất ít địa phương, tỉnh, thành ở Việt Nam và thế giới có được (đường biển, đường thủy, đường bộ, đường sắt, đuờng hàng không).

Là trung tâm của phát triển, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có rất nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng giá trị đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng. Người dân vùng Đông Nam Bộ cũng sẽ được thụ hưởng môi trường sống tại các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động, có đầy đủ việc làm và sinh kế, hạ tầng đồng bộ, dịch vụ công tiện lợi và môi trường sống bền vững, chất lượng sống, gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của Vùng.

● Về giá trị mới:

Theo Quyết định 463/QĐ-TTg, ngày 15/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, với phạm vi ranh giới hành chính nằm trên địa phận 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh, nhằm cụ thể hóa phát triển vùng Đông Nam Bộ thành vùng năng động, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử-văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên của Vùng.

Ngoài việc duy trì là động lực tăng trưởng chính của cả nước, Vùng Đông Nam Bộ phấn đấu trở thành một thị trường năng động nhất khu vực Đông Nam Á, một điểm đến đầu tư được lựa chọn của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, một trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp và công nghệ cao và là một cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam và Châu Á.

(* Tiêu đề do tòa soạn đặt)

;
.