Quốc hội thảo luận về các dự án giao thông trọng điểm

Thứ Sáu, 10/06/2022, 20:08 [GMT+7]
In bài này
.

  • Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là động lực cho vùng kinh tế Đông Nam bộ.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 10/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn  ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: CHÂU VŨ

Kết nối giao thông đa phương thức

Phát biểu thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư công giai đoạn 1 đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, việc đầu tư công Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho nền kinh tế đất nước vì nó giải quyết những vấn đề lớn cho BR-VT và vùng Đông Nam bộ.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ là huyết mạch trong kết nối giao thông đa phương thức giữa các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển, tạo động lực liên kết, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Đặc biệt, dự án này sẽ kết nối và phát huy tối đa tiềm năng của Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, từ đó, tăng thu thuế xuất, nhập khẩu; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nguồn lực và không gian phát triển mới, khơi dậy các tiềm năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và hệ thống phòng thủ khu vực phía Nam.

Ngoài ra, đường cao tốc đưa vào sử dụng sẽ phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36 của Đảng. Vì hằng năm, Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đón khoảng 110 lượt chuyến tàu khách quốc tế, nhập, xuất, quá cảnh với 270 ngàn lượt hành khách của 126 quốc tịch từ các nước Châu Á- Châu Âu. 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, để phát huy tối đa hiệu quả khai thác tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến đưa vào sử dụng năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng với tuyến cao tốc như: cầu Phước An, đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường Phước Hòa - Cái Mép, các tuyến đường ven biển, tuyến giao cắt Quốc lộ 56 với cao tốc.

Bảo đảm thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng

Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp kiểm đếm sơ bộ để chuẩn bị phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. 2 địa phương đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh cam kết bố trí 50% vốn ngân sách địa phương (năm 2022) chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 3.270 tỷ đồng. Đồng thời đã dự kiến quỹ đất để bố trí tái định cư.

“Cử tri, nhân dân và Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kính mong được sự quan tâm ủng hộ của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư công giai đoạn 1 đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, và các kiến nghị của Chính phủ về triển khai dự án” - đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Theo chương trình Kỳ họp, ngày 16/6, Quốc hội sẽ quyết nghị về dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường bộ cao tộc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

NGỌC NGUYỄN

;
.