.

Bảo vệ hạnh phúc gia đình không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ

Cập nhật: 18:34, 14/06/2022 (GMT+7)

Chiều 14/6, tranh luận với ý kiến việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ trong phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng ý kiến này chỉ đúng một phần, chưa đủ, chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tranh luận với ý kiến việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ trong phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tranh luận với ý kiến việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ trong phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

ĐẢM BẢO NGUYÊN TẮC BÌNH ĐẲNG GIỚI

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần đối chiếu, cân nhắc việc sử dụng cụm từ “trên cơ sở giới, định kiến giới” tại khoản 2 Điều 3 để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và thống nhất các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với 18 nội dung dự thảo Luật nêu tại khoản 1 Điều 4 về hành vi bạo lực gia đình, Ban soạn thảo nên xem xét phân loại theo nhóm, tính chất, mức độ, hành vi làm cơ sở xây dựng quy định chế tài tương ứng tại các điều khoản tiếp theo của Luật này vừa đảm bảo khoa học, dễ tiếp cận và áp dụng được thuận lợi hơn.

Tại khoản 1 Điều 4 có nêu “cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính của thai nhi”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị nên bỏ cụm từ “vợ hoặc chồng” và chỉnh sửa theo hướng “cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi” sẽ bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ.

“Bởi các hành vi bạo lực như vừa nêu không chỉ có ở vợ hoặc chồng mà còn có sự can thiệp, cưỡng ép từ các thành viên khác trong gia đình như ông bà, cha mẹ… Ý đầu làm cho người đọc dễ hiểu theo ý vợ cưỡng ép chồng mang thai – điều này không phù hợp và bất hợp lý”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc phân tích.

CHỦ ĐỘNG XỬ LÝ HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại khoản 3 Điều 22 các loại hình hòa giải, dự thảo quy định “sau khi người có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử lý theo quy định của pháp luật” là chưa phù hợp theo 3 cấp độ đã được thể hiện tại các điều khoản khác tại dự thảo Luật là: tuyên truyền, vận động, hòa giải và xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và khi đã bị xử lý theo quy định của pháp luật rồi mới quay lại hòa giải sau là không khả thi.

Gia đình sum vầy, tràn đầy niềm vui bên bữa cơm chiều. Ảnh: MINH THIÊN

Gia đình hạnh phúc, sum vầy, không tồn tại bạo lực luôn là mong muốn của mỗi người. Trong ảnh: Một gia đình tại TP.Vũng Tàu vui vẻ bên nhau thưởng thức bữa cơm chiều. Ảnh: MINH THIÊN

Để đảm bảo tính thống nhất với quy định về biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tại Điều 30 đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại khoản 1 Điều 32 theo hướng khi nhận được tố giác về hành vi bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc mà không phải chờ được phân công mới thực hiện, đảm bảo tính chủ động của công an cấp xã trong phạm vị quyền hạn đã được quy định tại các điều khoản liên quan nội dung trên của dự thảo Luật và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Đối với quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn không áp dụng khoảng cách tối thiểu là chưa phù hợp cũng như chưa đủ, chưa sát thực với hành vi bạo lực gia đình. Vì vậy, Ban soạn thảo nên xem xét, bổ sung vào khoản 5 Điều 33 các biện pháp ngăn chặn khác tương ứng với các nhóm hành vi bạo lực gia đình đã được quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật quy định.

GÓP PHẦN XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, phạm trù “bạo lực gia đình” với sự tế nhị, nhạy cảm nhất định trong mối quan hệ giữa các chủ thể trong phạm vi của mỗi gia đình. Bởi trong nếp nghĩ, văn hóa ứng xử của phần lớn người Việt Nam thì các vấn đề của gia đình được xem là “chuyện trong nhà, trong cửa” nên thường được đóng kín, để lại sau cánh cửa của mỗi gia đình. Cho nên việc xây dựng, áp dụng Luật đối với việc phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam có sự khác biệt nhất định nếu so sánh những vấn đề tương đồng với việc áp dụng Luật của các quốc gia khác trong cùng một vấn đề.

Vì vậy việc tiếp cận, giải quyết vấn đề bạo lực gia đình được xây dựng, trình Quốc hội xem xét không chỉ tập trung trong phạm vi các nhóm giải pháp quy định việc xử lý các hành vi vi phạm nhằm giải quyết những vấn đề đã xảy ra làm phát sinh hậu quả pháp lý mà cần quan tâm rà soát, cân nhắc bổ sung, điều chỉnh các nội dung thuộc nhóm giải pháp theo hướng vừa bao quát nhưng bảo đảm chặt chẽ, sát thực, phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa ứng xử của các thành viên trong mỗi gia đình Việt Nam. Từ đó phát huy việc ngăn chặn, phòng tránh từ sớm, từ xa và đảm bảo rằng Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) khi được Quốc hội xem xét, thông qua đồng bộ với các luật có liên quan không trái các quy định của quốc tế về những nội dung liên quan về quyền con người.

“Quan trọng hơn nữa là Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) thật sự khả thi khi áp dụng trong thực tiễn, góp phần xây dựng nếp sống văn minh từ nhận thức đến hành vi giữa các mối quan hệ gia đình – tế bào của xã hội trong thế giới phẳng hiện nay với các điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa nhưng vẫn bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.

PHÚC LƯU – CHÂU VŨ

 

.
.
.